"Tái chế" Tây Du Ký: Bài toán dễ nhưng khó, không phải có siêu sao là sẽ thành công
Những ý kiến trái chiều quanh dự án "Tây Du Ký: Nữ nhi quốc" của Triệu Lệ Dĩnh, Phùng Thiệu Phong một lần nữa làm tranh cãi quanh cái tên "Tây Du Ký" bùng lên.
Cứ như thông lệ, mỗi năm làng phim Hoa ngữ lại đón chào một vài dự án cải biên từ "siêu phẩm" Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Vài năm trở lại đây, số lượng phim điện ảnh, phim truyền hình lấy cảm hứng từ câu chuyện 4 thầy trò Đường Tăng tăng lên đột biến. Đa phần các dự án đều được quảng bá, tuyên truyền là "hàng khủng" được đầu tư kinh phí sản xuất khổng lồ. Tuy nhiên, đến ngày ra mắt khán giả, số lượng phim được khen ngày càng ít dần. Nhiều dự án "tái chế" Tây Du Ký đã thất bại thảm hại, chẳng những thua lỗ doanh thu, thất bại về doanh thu mà còn bị giới chuyên môn đánh giá thấp.
Vậy nên mới nói, "nhào nặn" Tây Du Ký là chuyện dễ nhưng lại khó, không phải cứ có nhiều tiền, mời nhiều sao đình đám là khi ra rạp sẽ thắng đậm.
Tây Du Ký: Nữ nhi quốc do Phùng Thiệu Phong, Triệu Lệ Dĩnh, Quách Phú Thành, La Trọng Khiêm đóng chính hiện vẫn đang được chiếu ở các rạp Trung Quốc. Đến ngày mồng 6 Tết (21/2), doanh thu của phim đã đạt hơn 600 triệu NDT. So với chi phí sản xuất, con số này không tệ. Tuy nhiên, nếu xét ở bảng doanh thu các phim chiếu cùng thời điểm, Tây Du Ký: Nữ nhi quốc chỉ đứng ở vị trí thứ 5. Với dàn sao hạng A sáng chói, thành tích này không thể gọi là ấn tượng.
Phùng Thiệu Phong.
Triệu Lệ Dĩnh.
Ngày đầu khởi chiếu, Tây Du Ký: Nữ nhi quốc được đánh giá khá cao. Tuy nhiên, qua mỗi ngày, số lượng người đến rạp càng ít dần. Điểm mà trang phim Douban dành cho Tây Du Ký: Nữ nhi quốc là 4,7/10 - điểm số thấp nhất trong các phim chiếu trong Tết Nguyên Đán năm nay. Tây Du Ký: Nữ nhi quốc bị đánh giá là có nội dung kém hấp dẫn hơn các phần trước. Cách khai thác chuyện yêu đương "ngôn tình" của Đường Tăng (Phùng Thiệu Phong) và Nữ vương (Triệu Lệ Dĩnh cũng bị cho là không phù hợp, trái với ấn tượng từ phiên bản Tây Du Ký kinh điển năm 1986 của Lục Tiểu Linh Đồng.
"Tây Du Ký: Nữ nhi quốc" không thành công về doanh thu như mong đợi.
Ngoài ra, diễn xuất của nữ chính của Triệu Lệ Dĩnh không thuyết phục số đông khán giả. Cách xây dựng nhân vật ngây thơ, trong sáng, không mang khí chất nữ quyền đã làm người xem "khó chịu". Dẫu ekip sản xuất có lý giải rằng hình tượng mà Triệu Lệ Dĩnh xây dựng bám sát nguyên tác Tây Du Ký nhưng với ấn tượng của đông đảo người xem, cách thể hiện này không trọn vẹn. Thất bại ở vai Nữ vương nữ nhi quốc khiến Triệu Lệ Dĩnh bị đưa vào danh sách "thuốc độc phòng vé" cùng Dương Mịch, Lưu Diệc Phi.
Đại thoại Tây Du 3
Đại thoại Tây Du 3 do Đường Yên, Hàn Canh đóng chính, ra mắt từ ngày 15/9/2016. Sau hơn 1 ngày khởi chiếu, phim đạt doanh thu 127 triệu NDT - đây là con số làm hài lòng nhà sản xuất. Tuy nhiên, khán giả và giới chuyên môn lại không tỏ ra hài lòng. Douban chấm cho phim mức điểm 5/10. Trong khi đó, trang phim Toutiao lại gọi Đại thoại Tây Du 3 là mớ hỗn độn, nội dung nhạt nhẽo, kém hấp dẫn.
Đường Yên.
Hàn Canh.
Đại thoại Tây Du 3 do đạo diễn Lưu Trấn Vỹ phụ trách, phim được xem như phần "ăn theo" phần 1 và phần 2 của Châu Tinh Trì. Để thu hút khán giả đến rạp, đạo diễn Lưu Trấn Vỹ đã mời cả một dàn sao đình đám, với những tên tuổi sáng giá bậc nhất tham gia. Chính vì được kỳ vọng quá cao nên khi Đại thoại Tây Du 3 ra rạp, khán giả mới thất vọng vì chất lượng phim chẳng được như lời quảng cáo.
Câu chuyện mở đầu khi Ngọc đế viết thiên thư. Vì một sai sót, ông khiến Tôn Ngộ Không đầu thai sau 500 năm. Vì thế, Ngọc Hoàng bèn nghĩ cách hồi sinh một con khỉ giống hệt Mỹ Hầu Vương - Lục Nhĩ Mỹ Hầu trong thời gian chờ Ngộ Không thật trở về. Lục Nhĩ Mỹ Hầu nảy sinh tình cảm với Thanh Hà tiên tử và họ còn có con chung.
"Đại thoại Tây Du 3" bị chê là một mớ hỗn độn.
Xét ở tiêu chuẩn "sáng tạo", Đại thoại Tây Du 3 không phải là dạng tồi. Dẫu vậy, vì gán ghép tình tiết sơ sài, khiên cưỡng, cộng với diễn xuất thiếu chiều sâu của các diễn viên chính Đường Yên, Hàn Canh, phim đã không đạt hiệu ứng như mong đợi ban đầu.
Tây Du Ký của Trương Kỷ Trung
Có một dạo, những thông tin về dự án Tây Du Ký của đạo diễn Trương Kỷ Trung đã làm xôn xao làng giải trí Việt Nam. Tuy nhiên, đến khi phim ra rạp, khán giả lại hoang mang vì không hiểu mình đang xem những nội dung gì.
Trương Kỷ Trung.
Khi mới công bố kế hoạch sản xuất Tây Du Ký, Trương Kỷ Trung đã mạnh diện chia sẻ rằng dự án này được đầu tư đến hàng chục triệu USD, với kỹ xảo tân tiến và quy tụ dàn diễn viên đình đám nhất. Trương Kỷ Trung cũng bộc bạch rằng bộ phim hứa hẹn sẽ vượt qua cái bóng của Tây Du Ký năm 1986, đồng thời tạo nên dấu ấn mới về một siêu phẩm mang dấu ấn của 4 thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Trư Bát Giới.
Nhưng tiếc rằng, tất cả những lời hứa hẹn ấy chỉ là nói cho vui. Trương Kỷ Trung chẳng những không tạo ra bộ phim hấp dẫn như mong đợi mà còn thu về hàng tá ý kiến chê bai, chỉ trích. Trong đó, vai Tây Lương nữ vương của Thư Sướng là bị "ném đá" nặng nề nhất. Số đông khán giả cho rằng, hình tượng Thư Sướng mang đến giống như một cô gái tuổi teen nhí nhảnh, nghịch ngợm quá đà, hoàn toàn không có phong thái nữ quyền, sang trọng.
Thư Sướng.
Tình tiết "nữ vương" Thư Sướng nghịch sỏi, đem lòng yêu thương Đường Tăng cũng được thể hiện một cách hết sức trẻ con, kiểu nắm tay chàng chạy tung tăng khắp nơi chứ không làm người xem vỡ òa vì tinh tế, ngọt ngào ở mức chừng mực. Sự đằm thắm, dịu dàng mà người xem hình dung về vị nữ vương si tình kia hoàn toàn biến mất. Không ít khán giả còn so sánh Thư Sướng với Chu Lâm - người đẹp đóng vai nữ vương trong Tây Du Ký phiên bản 1986 kinh điển.
Tân Tây Du Ký của Trình Lực Đống
Ngoài Trương Kỷ Trung, đạo diễn nổi tiếng Trình Lực Đống cũng từng đưa Tây Du Ký lên màn ảnh nhỏ bằng lối làm phim hiện đại. Trình Lực Đống chia sẻ, kinh phí đầu tư cho bản Tân Tây Du Ký lên đến 50 triệu NDT (khoảng 150 tỷ đồng), có sự góp mặt của nhiều diễn viên như: Trần Xung, Ôn Bích Hà, Lưu Đức Khải, Hàn Tuyết, Lưu Tư.
"Tân Tây Du Ký" của đạo diễn Trình Lực Đống gây ra nhiều tranh cãi.
Xét ở phạm vi màn ảnh nhỏ, dự án này không phải quá tệ. Tuy nhiên, nếu so sánh với Tây Du Ký kinh điển năm 1986, phim vẫn bị chê là kém hấp dẫn hơn 1 bậc. Đầu tiên, về phần tạo hình, nhiều nhân vật không nhận được lời khen từ khán giả. Đa phần các ý kiến đều cho rằng tạo hình nhân vật quá già, các chi tiết về trang phục, binh khí quá lòe loẹt. Bên cạnh đó, kỹ xảo của phim cũng không làm hài lòng khán giả. Những phần đánh đấm, thi triển phép luật bị nhận xét là quá giả, thiếu cảm giác chân thật.
Về mặt nội dung, Tân Tây Du Ký cũng gây ra tranh cãi khi để cho cả 4 thầy trò Đường Tăng vướng vào tình cảm hồng trần. Tôn Ngộ Không được gán ghép với Bạch Cốt Tinh, Đường Tăng được ghép với quốc vương nữ nhi quốc, Sa Tăng rơi vào lưới tình với yêu nhền nhện, còn Trư Bát Giới thì đi đến đâu là yêu đến đấy.
Tôn Ngộ Không và Bạch Cốt Tinh.
Đường Tăng và Sa Tăng.
Dẫu vậy, vẫn có nhiều khán giả bày tỏ sự thích thú với sáng tạo của đạo diễn Trình Lực Đống. Một số người nhận xét rằng: "Bản Tây Du Ký 1986 là kinh điển rồi nhưng cũng cần có những tác phẩm mới mẻ thế này", "Có gì đâu mà mọi người chỉ trích, mỗi thời đại một góc nhìn khác nhau, cũng cần thoải mái tư tưởng để các nhà làm phim còn có đường sáng tạo chứ".