Tác giả 'See tình' của Hoàng Thùy Linh: 'Cát-xê của chúng tôi đã tăng gấp 30 lần'
DTAP là nhóm producer gồm ba thành viên Thịnh Kainz (trưởng nhóm), Tùng Cedrus và Kata Trần. Từ ba thanh niên theo đuổi chuyên ngành kinh tế, các thành viên hợp lại thành nhóm producer, cùng Hoàng Thùy Linh tạo nên nhiều bài hát hit như "Để Mị nói cho mà nghe", "Bo Xì Bo" và "See tình".
Sau một năm ra mắt, See tình của Hoàng Thùy Linh hiện tại viral trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Đoạn điệp khúc xuất hiện trên TikTok, được nhiều ca sĩ, người nổi tiếng ở Trung, Hàn, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan... cover.
Gặp gỡ DTAP, chủ nhân ca khúc See tình, đồng thời là cộng sự ăn ý của Hoàng Thùy Linh, họ không ngờ ca khúc lại được nhiều người ở các quốc gia châu Á ưa thích.
DTAP là nhóm producer gồm ba thành viên Thịnh Kainz (trưởng nhóm) và Tùng Cedrus và Kata Trần. Từ ba thanh niên theo đuổi chuyên ngành kinh tế, các thành viên hợp lại thành một nhóm, dùng âm nhạc nuôi âm nhạc và thành công như hiện tại.
"Từ nhóm mang ca khúc bị 10 ca sĩ từ chối, giờ đây khi nhìn lại, tôi thấy hành trình của mình trải qua nhiều khó khăn nhưng rất xứng đáng", đại diện DTAP nói với Tiền Phong.
DTAP: ' Chúng tôi đã kín lịch đến hết năm 2023' |
- Ca khúc See tình đang viral trên các mạng xã hội, là “cha đẻ” của bản nhạc, các anh nghĩ gì khi See tình không dừng lại ở Việt Nam, mà còn viral ở nhiều nước châu Á?
- Thịnh Kainz: Đối với DTAP đây là một may mắn rất lớn trong quá trình làm nghề. Mỗi khi sản xuất ca khúc nào đó được mọi người từ khắp nơi chú ý, đó là niềm vinh hạnh rất lớn với người làm sáng tác, sản xuất âm nhạc như chúng tôi.
- Từng thành công với "Để Mị nói cho mà nghe", "Gieo quẻ"... DTAP có áp lực trong việc làm mới bản thân cũng như Hoàng Thùy Linh. "See tình" lần này có phải thành công lớn nhất của DTAP tính đến hiện tại?
- Thịnh Kainz: Ca khúc này có cơ duyên khá đặc biệt. See tình ra đời bằng cách đơn giản và trong khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng để có được ca khúc như hiện tại, DTAP đã bất ổn tâm lý trong khoảng thời gian 2 năm từ sau album Hoàng. See tình được xem như nút thắt, một điểm để gỡ bỏ mọi áp lực chúng tôi đang phải gánh trên vai sau sự thành công của album trước đó.
Trước khi làm album Hoàng, DTAP không là ai cả. Những thay đổi đến với DTAP sau album trên có vẻ hơi nhanh và bất ngờ. Thực tế là chúng tôi chưa chuẩn bị kịp cho những sự ập đến này.
- Tại sao nhan đề ca khúc lại là See tình? Các anh có thể chia sẻ rõ hơn cách gieo vần của ca khúc, từ đoạn đầu đến đoạn điệp khúc viral trên mạng?
- Kata Trần: See tình ở đây có hai nghĩa chính, vừa là si tình, cũng là từ đồng âm "see" tiếng Anh dịch ra tiếng Việt là Tìm thấy tình yêu. Bài hát được viết rất đơn giản sau khi chúng tôi trải qua đủ những phức tạp. Chúng tôi tụi quyết định kết tinh ca khúc bằng những cách đơn giản hơn.
Là người đảm nhận phần lời, tôi mong ca khúc hiệu quả với những phép chơi chữ. Câu hát “Đem ngay vô nhà thương, đem ngay vô nhà anh để thương" có hai nghĩa. Ở miền Tây, nhà thương thường để chỉ bệnh viện, nhưng ở đây tôi muốn có dụng ý là mang vào nhà để thương.
Còn ở đoạn nhạc “tình tình tình tang tang tính”, tôi chơi chữ cho lời bài hát đồng âm với phần sau là “tình đừng tình toan, toan tính". Đó là phép đồng âm để từ một giai điệu, một câu hò trở thành câu có nghĩa và liên kết với đoạn trước.
- Nhà sản xuất Hoaprox nói với Tiền Phong rằng thành công của "See tình" nằm ở sự bắt tai từ những nốt nhạc đầu tiên, vì vậy ngôn ngữ của nó không còn quan trọng, khiến ca khúc viral ở nhiều quốc gia, là người đảm nhận vai trò sáng tác lời, quan điểm của DTAP thế nào?
- Kata Trần: Tôi nghĩ những người làm sáng tác hoặc người làm việc với chữ nghĩa đều cảm thấy bản thân từ ngữ có nhiều điều kỳ diệu. Dù người nghe không hiểu, họ hoàn toàn có thể cảm nhận được cảm xúc, tâm trạng và hòa mình vào.
Khi làm bài hát, tôi sử dụng những âm như “Uầy uầy uây uây, sao mới gặp lần đầu mà đầu mình quay quay” tạo cho người ta cảm giác quen thuộc. Tôi có hỏi ý kiến một vài người bạn, nhiều người nói rằng khi nghe đoạn mở đầu, họ có cảm giác quen thuộc và lặp lại được ngay. Đó là tính catchy (say mê) của giai điệu.
Một ca khúc được chia thành bốn phần, thứ nhất là giai điệu, thứ hai là phần lời, thứ 3 là hòa âm phối khí và thứ tư là phần sản xuất. Mọi khâu đều quan trọng như nhau.
- Thịnh Kainz: Phần sản xuất ở đây có nghĩa là về không gian bài hát, khâu hậu kỳ như thu âm, mixing, mastering, cách hát nghệ sĩ và cách dựng bè... rất nhiều thứ. Tổng thể 4 phần đó sẽ giữ 1 vai trò tương đương nhau. Nếu thiếu một thứ sẽ không tạo nên sự cộng hưởng trong âm nhạc.
- "See tình" nói riêng và các ca khúc khác nói chung có sự hỗ trợ rất lớn từ TikTok. Theo DTAP, bản nhạc hay cộng với trào lưu thú vị có phải công thức hoàn hảo cho bài hát trở nên viral?
- Thịnh Kainz: Bất kỳ nền tảng nào hay cách viral nào cũng là phương tiện rất hiệu quả để người nghệ sĩ giới thiệu sản phẩm của mình đến khán giả. Tuy nhiên, đối với DTAP, nhóm tập trung vào câu chuyện, giá trị thực tế của sản phẩm đó như thế nào. Chúng tôi cố gắng làm tốt phần cốt lõi, nếu may mắn có thể truyền tải đến nhiều khán giả hơn, không chỉ trong nước mà còn quốc tế.
- Ở "Để Mị nói cho mà nghe", DTAP sử dụng chất liệu văn học, đến "See tình", tại sao các bạn lại sử dụng ý tưởng lồng đờn ca tài tử vào phần đầu bài hát? Nó thể hiện thông điệp gì cho ca khúc?
- Tùng Cedrus: Với album Hoàng, DTAP đã khai thác rất nhiều văn hóa và âm hưởng của vùng Bắc Bộ. Ở Link, chúng tôi thử nghiệm điều mới mẻ và mang âm hưởng miền Tây vào các ca khúc, cụ thể ở đây là See tình. Như mọi người đã biết Việt Nam mình có 63 tỉnh thành và 54 dân tộc anh em, có rất nhiều thứ để khai thác từ con người, văn hóa cũng như âm hưởng của mỗi vùng miền. DTAP và Hoàng Thùy Linh muốn mang đến âm nhạc mà bất cứ ai cũng có thể đồng cảm và hòa mình vào.
- Nhiều trang thông tin điện tử so sánh See tình với "Despacito", "Gangnam Style". Điều đó có khiến nhóm gặp áp lực?
- Thịnh Kainz: Với See tình, DTAP thực hiện ca khúc trong lúc chơi với âm nhạc. Lần này, nhóm để áp lực lại đằng sau, chỉ là lần thử nghiệm mới, làm điều đơn giản nhất nhưng rốt cuộc lại là thứ chúng tôi thích nhất.
Còn việc See tình được so sánh với 2 bản hit lớn trên thế giới Gangnam Style và Despacito, thì thật sự đó là niềm vinh hạnh. DTAP thấy tự hào nhưng không ỷ lại. Chung quy lại âm nhạc Việt Nam đang trên đà phát triển và có tiềm năng để đi xa hơn.
- Nhạc sĩ Huy Tuấn đánh giá cao ca khúc của các bạn, nhưng đồng thời cho rằng đừng yêu cầu nhạc sĩ Việt gánh vác “trọng trách vĩ mô” là vươn tầm quốc tế, DTAP nghĩ sao về quan điểm này?
- Thịnh Kainz: Thật ra nếu gọi là vươn tầm quốc tế hay làm nhạc trong nước, ở thời đại này, chúng tôi cảm thấy khoảng cách đang thu lại. Khi ra mắt sản phẩm, có rất nhiều cách để khán giả không cần đến Việt Nam vẫn có thể nghe nhạc của mình.
Chúng tôi muốn mang đến thứ âm nhạc có giá trị, có bản sắc. Cụ thể ở đây là không cần những điều gì đó quá học thuật. Nó chỉ là những gì diễn ra xoay quanh chúng ta từ cách nói chuyện, những người mà ta tiếp xúc, từ ngôn ngữ cũng như là từ những văn hóa cổ truyền, mong muốn giới thiệu một nền âm nhạc có bản sắc đến với thế giới.
Nói tóm lại, khi chúng ta giới thiệu những thứ đặc trưng và hay ho của Việt Nam cho bạn bè quốc tế, đó chính là vinh hạnh.
- So với trước đây, vị thế của producer đang nâng cao. Cát-xê 100 triệu/ca khúc có phải con số thực nhận của DTAP khi viết bài cho ca sĩ khác?
- Cát-xê hiện tại của chúng tôi cao hơn thuở mới viết ca khúc đầu tiên, cụ thể là cao hơn khoảng 30 lần. Nhưng chúng tôi nghĩ đây là vấn đề không phải tôi suy nghĩ. Quan trọng là chúng tôi tạo ra sản phẩm mang lại giá trị như thế nào.
Cát-xê với DTAP không phải vấn đề quan trọng nhất mà chính là giá trị âm nhạc chúng tôi tạo ra. Chúng tôi là những người lấy âm nhạc đầu tư lại âm nhạc. Chỉ cần làm tốt trách nhiệm công việc, câu chuyện về âm nhạc, những thứ khác sẽ tự đến.
- Cảm ơn các anh về cuộc trò chuyện.