Tác giả "Kỷ luật mềm của trái tim" chia sẻ quan điểm chọn trường cấp 1 cho con gồm 5 tiêu chí, mẹ nào nghe xong cũng đồng tình
Có con sắp vào cấp 1, chị Aki Nguyễn - tác giả cuốn sách "Kỷ luật mềm của trái tim" có những quan điểm vô cùng thú vị và thiết thực.
Chị Aki Nguyễn (Nguyễn Thị Thu) được biết đến như một người mẹ truyền cảm hứng nổi tiếng. Chị là tác giả cuốn sách "Kỷ luật mềm của trái tim" và đồng sáng lập trường mầm non Tsubaki. Con trai của chị - bé Bon - năm nay 5 tuổi và chuẩn bị vào lớp 1.
Giống như nhiều bậc phụ huynh khác, chị Aki Nguyễn tỏ ra rất băn khoăn trong việc chọn trường cho con. Bà mẹ nổi tiếng dẫn con đi tham quan trường, đánh giá mức độ phù hợp, các yếu tố liên quan như học phí, vị trí địa lý,... Sau nhiều lần tham khảo, chị Aki Nguyễn đã chọn được cho con một ngôi trường tiểu học thích hợp dựa theo 5 tiêu chí:
1. Gần nhà (Giúp tiết kiệm thời gian làm được nhiều việc hữu ích).
2. Môi trường học sinh hoà đồng, thuần tính. Nhà trường không chạy theo đòi hỏi của phụ huynh.
3. Không học quá nặng và học nhiều.
4. Không gian sân chơi có ánh nắng tự nhiên, chương trình học có nhiều trải nghiệm.
5. Trường không PR quá nhiều, không làm màu, hiệu trưởng tâm huyết.
Khi con bắt đầu đến trường, nhiều bậc phụ huynh đặt ra những kỳ vọng, mong con đạt được thành tích cao ngay từ chặng đường xuất phát. Tuy nhiên chị Aki Nguyễn là một trường hợp ngoại lệ. Đối với giai đoạn tiểu học, bà mẹ này chỉ mong con có thể rèn luyện được các kỹ năng cơ bản như: Tìm thấy niềm vui trong học tập và hình thành thói quen tự giác học tập; có thói quen đọc sách tốt và hình thành các kỹ năng tư duy sâu: đọc, nghe, viết, nói.
Ngoài ra, chị mong con trai có thể hình thành nhân cách tốt, có động lực để cố gắng, biết sống hoà đồng, quan tâm đến bạn bè và mọi người xung quanh, sống tự lập, có trách nhiệm với gia đình. Cuối cùng bà mẹ nổi tiếng mong con có thể tìm được một sở thích và theo đuổi đam mê của mình.
Để làm được những điều này, chị Aki Nguyễn cho rằng, việc học ở trường không thể chiếm hết thời gian và năng lượng của đứa trẻ. Chị bày tỏ quan điểm như sau: "Một ngày trẻ cũng chỉ có từng ấy thời gian. Nếu học cái này quá nhiều thì đương nhiên thời gian để làm cái khác sẽ ít đi. Vì thế quan trọng nhất là mình lựa chọn cái nào phù hợp với tiêu chí của gia đình muốn định hướng cho con mà thôi. Và giáo dục gia đình vẫn là một phần rất quan trọng bên cạnh giáo dục đại trà ở nhà trường".
Bộ não của trẻ không cần phải lấp đầy ngay từ nhỏ, mà cần có thời gian tự do
Chị Aki Nguyễn cho rằng bộ não của trẻ không cần phải lấp đầy ngay từ nhỏ mà cần có thời gian tự do.
"Nhìn chương trình học của đại đa số các trường thì thấy thời khoá biểu chúng đã bị lấp đầy bởi học kiến thức, học tiếng Anh. Trẻ không còn có thời gian tự do để tìm ra những điều chúng thực sự thích. Chưa kể học ở lớp đã kín cả ngày mà về buổi tối vẫn phải làm bài tập đến tận 9-10h tối. Vậy trẻ lấy thời gian đâu để đọc sách, để tự do và để chơi? Người lớn chúng ta làm 8 tiếng cả ngày mà tối về có ai muốn ngồi vào bàn để học tiếp không? Vậy thì con trẻ cũng thế, chúng cũng cần được nghỉ ngơi để nạp năng lượng. Trẻ cũng có quyền được giải trí, chứ không phải chỉ lấp đầy bởi kiến thức ở trường.
Nhìn lại quá trình bản thân mình học tiểu học, chỉ học nửa ngày, tối về làm 1-2 trang bài tập, nửa ngày được tự do tìm tòi những gì mình hứng thú, được đọc sách… nên mình rất hào hứng với chuyện học. Và phải có hào hứng, có niềm vui thì mới có động lực để học được".
Trẻ con cần phải được thiếu thốn và trải nghiệm thất bại
Theo chị Aki Nguyễn, trẻ cần phải thấy thiếu một cái gì đó và tự đi tìm. Nếu trẻ ở tình trạng luôn được làm đầy bộ nhớ, chưa kịp tìm thì thầy cô đã cung cấp sẵn sẽ dễ mất đi cảm giác hào hứng, khao khát. Quan trọng nhất là bố mẹ có thể tạo cho con khát khao muốn được tìm tòi, được tò mò về những điều mình chưa biết. Còn đã biết rồi thì trẻ không thiết tha đặt câu hỏi nữa.
Bên cạnh đó, thái độ với việc học sẽ quyết định đến kết quả học tập của con ở trường. "Lí do để mình không chủ động dạy con biết đọc, làm toán trước khi vào lớp 1 là vì muốn con háo hức với chuyện học ở trường, trân trọng những điều con sẽ được cô giáo dạy. Thứ hai là muốn con trải nghiệm với thất bại, có thể xuất phát điểm thua kém các bạn cũng được. Với mình, con càng thất bại sớm, con sẽ càng mạnh mẽ. Quan trọng là cách bố mẹ động viên và đồng hành với con mà thôi", chị Aki Nguyễn chia sẻ.
Môi trường hoà đồng sẽ nuôi dưỡng tinh thần hợp tác tốt hơn
Nói về lý do không lựa chọn các trường chuyên lớp chọn, chị Aki Nguyễn bày tỏ: "Các trường thi tuyển đầu vào đương nhiên bạn nào cũng học tốt. Môi trường như vậy sẽ rất tốt cho trẻ để cùng nhau cố gắng nhưng nó hơi hoàn hảo quá. Áp lực về học hành hay chuyện cạnh tranh cũng gắt gao hơn các trường bình thường khác.
Ở lứa tuổi tiểu học, mình vẫn muốn con học ở môi trường có nhiều bạn bè ở nhiều trình độ nhận thức khác nhau, tính cách và hoàn cảnh khác nhau. Con không phải cạnh tranh hay ganh đua. Môi trường hoà đồng, yêu thương và tình cảm với nhau sẽ giúp con cảm nhận hương vị của cuộc sống phong phú hơn".
Chị Aki Nguyễn mong muốn giáo dục không phải là một cuộc chạy đua để xem ai giỏi hơn ai. Giáo dục phải gắn liền với quá trình tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Và một trong những điều tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa đó là tinh thần hợp tác, sống vì người khác. "Khi ý nghĩa cuộc sống của bạn là khát khao được giúp đỡ và hợp tác với người khác, ắt bạn sẽ có động lực để cố gắng trau dồi kiến thức.
Con chúng ta không ai giống nhau, vì thế mà mỗi đứa trẻ mới cần có một gia đình để che chở và nuôi dưỡng chúng, phát huy được năng lực riêng. Là cha mẹ mình không có áp lực phải đem đến những điều tốt đẹp nhất cho con. Bởi có thể cái mình nghĩ là tốt đẹp chưa chắc là cái con cần và là cái con cho rằng tốt đẹp. Mình chỉ có thể cho con một môi trường đủ yêu thương, đủ an toàn để sát cánh bên con, cho con những giá trị sống nhân văn và đúng đắn", bà mẹ nổi tiếng kết luận.