Tác dụng bất ngờ của cà phê lên bệnh gan nhiễm mỡ và xơ gan
Các nhà khoa học Bồ Đào Nha vừa khám phá thêm hiệu quả bất ngờ của thói quen uống cà phê mỗi ngày lên sức khỏe của gan, bao gồm bệnh gan nhiễm mỡ thời đại.
Nghiên cứu từ Đại học Coimbra (Bồ Đào Nha) đã khảo sát 156 người béo phì ở độ tuổi trung niên, bao gồm 98 người mắc bệnh tiểu đường, vốn là các tình trạng sức khỏe làm gia tăng nguy cơ bị gan nhiễm mỡ không do rượu. Họ được kiểm tra chi tiết về tình trạng của gan cũng như các bệnh về gan.
Cà phê có thể đẩy lùi gan nhiễm mỡ và ung thư gan - Ảnh: MEDICAL XPRESS
Theo Medical Xpress, kết quả cho thấy những người tiêu thụ nhiều cà phê có lá gan khỏe mạnh hơn những người còn lại, bất kể tình trạng béo phì - tiểu đường và lối sống thiếu lành mạnh gây ra tình trạng đó là như nhau. Khác biệt được xác định là do các hợp chất mang hoạt tính sinh học đặc biệt trong cà phê.
Trong đó caffein - thứ có nhiều trong cà phê và trà - làm giảm nguy cơ bị xơ gan.
Các chất chống oxy hóa polyphenol cũng có thể đóng góp vào tác động giảm xơ gan dù chưa rõ ràng, cần được xác định thêm. Tuy nhiên chắc chắn là chúng tốt cho cơ thể vì còn cải thiện sự cân bằng và quá trình chuyển hóa glucose ở cả người khỏe mạnh và thừa cân, giúp phòng ngừa hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của tiểu đường type 2.
Các hợp chất khác không phải caffein trong cà phê lại giúp giảm hiệu quả chỉ số gan nhiễm mỡ. Tức không chỉ giúp phòng ngừa mà nó còn giúp những người đang bị gan nhiễm mỡ bệnh ít nghiêm trọng hơn.
Theo tiến sĩ John Griffth Jones, nhà nghiên cứu cao cấp từ Trung tâm Khoa học thần kinh và sinh học tế bào của Đại học Coimbra, lối sống hiện đại bao gồm chế độ ăn uống đã làm tăng tỉ lệ gan nhiễm mỡ gần đây, một tình trạng nếu không kiểm soát tốt sẽ trở nên nguy hiểm, bao gồm cả thúc đẩy phát triển ung thư gan, suy gan.
Do đó họ đã tìm cách xác định những phương án dễ dàng nhằm làm giảm gánh nặng này. Cà phê là một gợi ý đầy thú vị bởi đó cũng là thói quen của nhiều người. Nếu chỉ nhắm vào gan nhiễm mỡ, bạn có thể uống cả loại cà phê bình thường lẫn loại không có caffein.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nutrients.