Sướng nhất là ở chung với mẹ chồng?

,
Chia sẻ

Ở chung với bố, mẹ chồng, các cô con dâu thường lắc đầu lè lưỡi khi đề cập đến. Nhưng các chuyên gia tâm lý lại cho rằng ở chung với ông, bà “được” khá nhiều. Có thật vậy không?

 

.

Ngày nào đi làm, việc đầu tiên khi chị Hoa đến công ty là nói chuyện mẹ chồng. Nào là mẹ chồng quản lý tiền bạc, quản lý giờ giấc. Đi chợ thì tính toán từng đồng một. Nào là bố mẹ mắng con thì bà bênh cháu nên cu Tôm sinh cái thói chạy ngay vào phòng ông bà khóc lóc khi bị mắng. Nào là dặn bà không cho cháu ăn đồ ngọt trước bữa ăn thì bà lại cho kẹo với lý do là “cái kẹo bé tí ý mà có đáng là bao”v.v…

Lúc đầu, các đồng nghiệp trong phòng còn lắng nghe, chia sẻ với chị. Nhưng lâu dần, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ dăm chuyện đó nên chẳng ai hưởng ứng nữa. Chị Hoa đành tìm chỗ khác “xả” bức xúc về mẹ chồng.

Trong một lần đi họp phụ huynh, ngồi cạnh chị Hà, một phụ huynh có con học cùng lớp mẫu giáo với cu Tôm. Qua vài lời tâm sự được biết chị Hà là chuyên gia tâm lý. Như chết đuối vớ được cọc, chị “trút” hết những băn khoăn, bức xúc lâu nay về mẹ chồng với chị Hà. Sau khi nghe chị Hoa “tâm sự” một thôi một hồi. Chị Hà khéo léo ngắt lời chị Hoa bằng một loạt các câu hỏi:

- “Thế khi em nghỉ đẻ cu Tôm hết 4 tháng, khi đi làm ai trông con cho em đi làm?

- Thì bà nội chứ còn ai nữa? Chị Hoa nói sẵng.

- Chị Hà vẫn nhẹ nhàng: Thế chiều đi làm về em chăm sóc cháu như thế nào?

- “À! chiều về thì em chỉ còn phải cho nấu cho cháu ăn bữa cháo tối thôi. Còn mọi thức ăn bổ sung như sữa chua, phomai, cam, chuối… bà nội cho ăn ban ngày rồi”.

- Thế còn tắm cho con, em tắm vào lúc nào?

- Em không phải tắm cho con. Bà nội tắm từ lúc 3-4h chiều cơ vì lúc đó trời còn ấm mà. Lúc em về là 6h tối rồi. Lạnh em không dám tắm cho con nữa”.

- Cu Tôm nhà em biết nói có sớm không? Có thuộc nhiều bài thơ, bài hát không?

- Ôi cu Tôm biết nói sớm lắm ạ. 10 tháng cháu đã bập bẹ bàbà, bố bố rồi. Mà cháu thuộc nhiều câu ca dao và thơ lắm. Vì bà nội hay hát ru cháu mà. Bây giờ cháu còn biết rất nhiều truyện cổ tích. Đi lớp về là hai bà cháu ríu rít kể cho nhau nghe. Cháu kể chuyện Tích Chu ở lớp. Bà kể chuyện Thạch Sanh. Cu Tôm hâm mộ Thạch Sanh lắm. À mà thỉnh thoảng em còn thấy cu cậu ngâm nga mấy câu Kiều nữa cơ đấy. Nghe buồn cười lắm”.

- Thế vợ chồng em có hay chơi với cháu không?

- Ôi dào, chồng em đi công tác suốt. Em thì hôm nào cũng về muộn. Công việc ngập đầu ngập cổ chẳng có thời gian chơi với con. Chủ yếu là ông, bà chơi với nó. Nào là Tam cúc, Cá ngựa, Tú…Ghớm sao ông bà lắm trò thế. Nó thích lắm.

- Cho chị hỏi em nốt một câu nữa thôi nhé?, chị Hà đề nghị.

- Vâng, chị cứ hỏi đi ạ!

- Thế trong cuộc sống điều gì (cái gì ) là quan trọng nhất đối với em?

- “Thì con cái chứ còn gì nữa. Con cái là của để dành mà chị. Em hùng hục đi làm cũng chỉ vì con thôi”.

Chị Hà vừa nghe chị Hoa nói vừa gật đầu tán thưởng. Lúc bấy giờ, chị Hà mới ôn tồn nói: “Em thấy không khi, khi ở chung với ông bà người được hưởng lợi nhiều nhất là các cháu. Từ nãy đến giờ, qua những câu trả lời của em, chị thấy em có một bà mẹ chồng tuyệt vời đấy”.

- Tuyệt vời á? Chị Hoa lắp bắp. “Thế còn những điều em kể với chị thì sao? “

- Những điều đó cũng quan trọng nhưng chỉ là tiểu tiết. Điều lớn lao hơn cả là con em được chăm sóc chu đáo. Chị thấy mẹ chồng em chăm bé Tôm rất tốt đấy. Chả trách lúc nào cu cậu cũng là bộ mặt của lớp mỗi khi có đoàn kiểm tra, hay có hội thi giáo viên dạy giỏi.

- Ngoài ra, việc ở chung còn rất nhiều thuận lợi nữa đấy mà em chưa nhận thấy đấy thôi.

- Còn thuận lợi gì nữa hả chị?

- Những thuận lợi khi ở với mẹ chồng rất nhiều. Nhưng có lẽ nhiều người không để ý. Chị chỉ liệt kê một số thôi nhé:

1. Khẩu phần ăn của các cháu được đảm bảo. (Vì chẳng có ông bà nào lại đi ăn của cháu.) Trong khi nếu em cho con ở nhà với cô giúp việc hay chị giúp việc thì em không thể nói trước được điều gì.

2. Khi cháu nóng, lạnh ông bà lập tức có “đối sách” kịp thời. Vì ông bà là những “máy” dự báo thời tiết rất tốt.

3. Khi cháu học nói ông bà rất tích cực dạy cháu. Trẻ sớm biết nói hơn. Có một số trẻ còn được học 2 hệ thống tiếng: phổ thông và tiếng địa phương. Kiểu như là học ngoại ngữ. Điều này có thể nhiều ông bố bà mẹ cho là không cần học tiếng địa phương nhưng đó lại là một kinh nghiệm sống của trẻ mà không phải bé nào cũng có cơ hội trải nghiệm.

4. Trẻ được cho đi chơi nhiều hơn. Vì ông, bà hay cho cháu đi cùng khi đi sinh hoạt câu lạc bộ, khi đi tập thể dục.

5. Trẻ biết nhiều thứ hơn những bạn cùng lứa tuổi không được ở với ông bà. Chỉ có ông, bà mới kiên nhẫn giảng giải cho cháu và lá cây, con kiến, con ong, củ khoai, cây lúa… Hay là chơi Tam cúc, Cá ngựa là những trò chơi dân gian mà chỉ có ông, bà mới đủ kiên nhẫn để ngồi chơi với cháu.

6. Trẻ thường được nghe truyện cổ tích

7. Trẻ được nghe hát ru. Điều này rất có giá trị. Vì qua những lời hát ru bé học được nhiều câu ca dao, đồng dao…Thực tế hiện nay rất ít bà mẹ trẻ hát ru con. Phần vì không thuộc, phần vì thấy …ngượng mồm. Trong khi đó bà có thể ru cháu cả một bài Phạm Công-Cúc Hoa rất dài và rất hay. Hoặc là truyện Kiều-một tuyệt tác văn học cũng được nhiều bà chọn làm bài ru cháu.

8. Ông, bà rất “xót” cháu. Ít khi đánh cháu. Mà thường giảng giải cho bé hiểu. Trong khi đó, bố mẹ vì bận, ít thời gian nên chỉ giải thích vài câu sau đó là “oánh” rồi.

9. Khi bố mẹ về muộn, có ông bà đi đón, tắm rửa, cho ăn quà chiều. Không bao giờ con bị bơ vơ ở nhà trẻ vì bố đi công tác, mẹ tắc đường cả.

10. Ông bà có nhiều kinh nghiệm dân gian về chăm sóc sức khoẻ cho trẻ áp dụng rất tốt. Như chữa mồ hôi trộm cho trẻ, hay là đốt vía dữ khi trẻ sơ sinh quấy khóc…

Nghe chị Hà phân tích, chị Hoa như bừng tỉnh. Thì ra lâu nay mình ích kỷ, nhỏ mọn chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến những điều lớn hơn. Hoá ra là mình không “khổ” như mình vẫn tưởng. Trong đầu chị thoáng có suy nghĩ chiều nay về phải mua món gì đó khao cả gia đình vì một lý do chỉ có mình chị biết.

Bích Hồng
Dantri
Chia sẻ