Vỏ trái cây mọng, bóng – coi chừng bị ủ hóa chất
Quả chín hay rấm tự nhiên thường không đều cả về màu sắc và chất lượng. Với quả rấm bằng hóa chất thường có vỏ mọng, bóng và không có lớp sần tự nhiên.
Chị Lê Thị Nhiệm (ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn, Định Công, Hà Nội) cho biết: “Có một số trái cây như cam sành Hà Giang, cam Hưng Yên, ổi… khi vào đúng vụ, tôi vẫn thường mua về ăn vì thấy màu sắc, vị ngọt của chúng tự nhiên. Những quả này mà để ở ngoài rất nhanh bị hỏng, thối. Nhưng với quả bơ năm nay rất nhiều cửa hàng treo biển “bơ Đắk Lắk” nhưng nhìn quả nào cũng bóng đẹp một cách bất thường. Vì vậy tôi không dám mua ngoài mà vào cửa hàng nông sản sạch mua. Giá của trái bơ được bán trong cửa hàng nông sản sạch 59.000 đồng/kg, còn giá bơ ở các cửa hàng bán lẻ và ở ngoài chợ khoảng 35.000 đồng/kg”.
Theo kỹ sư nông nghiệp Trần Mạnh Chiến, quả chín tự nhiên hay rấm tự nhiên thường không đều cả về màu sắc và chất lượng. Với quả rấm bằng hóa chất thì ngược lại, chúng thường có vỏ mọng, bóng và không có lớp sần tự nhiên.
Sở dĩ người ta rấm hóa chất là bởi vì họ muốn giảm công thu hoạch và giảm hao hụt khi vận chuyển. Họ không chọn quả chín, quả già để thu hoạch mà hái tất cả số quả có trên cây xuống. Do vậy ngoài quả chín, quả già thì có cả quả xanh và non. Quả non thường không thể chín được bằng phương pháp rấm tự nhiên. Để xử lý lượng quả xanh và non này, người nông dân hoặc thương lái đã sử dụng hóa chất để ép quả chín.
Quả rấm bằng hóa chất, ngoài vẻ bóng bẩy, chín đều, vị của chúng quả nào cũng giống nhau. Chúng thường có 2 loại: Một loại rất nhạt còn một loại lại ngọt hắc, ngọt kháy. Loại ngọt kháy phải thật tinh ý mới nhận ra. Khi mới ăn 1 – 2 quả đầu thường mang lại cảm giác rất thích, thích hơn cả loại quả ngọt chín tự nhiên. Nhưng ăn đến quả thứ 3, thứ 4, nếu người tinh ý sẽ nhận thấy cổ họng mình rất khó chịu. Mùi, vị của quả chín tự nhiên hoặc rấm tự nhiên thường có mùi vị quả đặc trưng. Ví dụ quả bơ có vị ngậy đặc trưng, quả mít, quả ổi, quả na cũng thơm mùi đặc trưng mà ở loại quả rấm hóa chất thường nhạt nhòa, thậm chí là không có.
Nhãn sử dụng hóa chất lớp vỏ có đặc điểm là láng bóng, không có lớp sần tự nhiên, với người có vị giác nhạy khi bóc ăn có thể cảm thấy vị hắc, nồng. Với những loại quả có cuống to như sầu riêng, mít… thường được ép chín bằng cách tiêm hóa chất vào cuống, người mua nên chú ý vào lớp gai trên bề mặt trái, nếu gai còn xanh, mật độ dày, phần cuống mềm nhũn, hơi ngả sang màu thâm… thì phải cảnh giác.
Người tiêu dùng cần cảnh giác khi mua những trái cây có vẻ ngoài bóng đẹp. Ảnh: Chí Cường
Nguy cơ gây bệnh từ hóa chất rấm trái cây
Theo các chuyên gia, loại hóa chất mà người nông dân và thương lái thường dùng để rấm trái cây hiện nay có tên là ethephon hay còn gọi là ethrel (2-CEPA). Hóa chất ethrel ngoài tác dụng làm chín quả, nó còn có tác dụng kích thích cây ra hoa.
Giảng viên Vũ Văn Tiến (Trường ĐH Hồng Đức) cho rằng: “Ở Việt Nam hiện nay, ethrel là hóa chất dùng để làm chín trái cây nhưng chỉ được sử dụng với hàm lượng rất nhỏ. Hàm lượng cho phép là dưới 0,3mg/m3. Hàm lượng này thường chỉ có người trong giới khoa học biết được. Còn người nông dân hay thương lái, họ chỉ biết sử dụng cốt để làm cho quả chín mà không hề biết hoặc không quan tâm đến hàm lượng này. Ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây. Nếu phun hoặc nhúng chất vào hoa quả này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, ethrel tác dụng với thành phần nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất etylenglycol dinitrat - một chất rất độc khi vào cơ thể của con người”.
Trái cây tẩm hóa chất là một trong những loại thực phẩm cực độc, là nguyên nhân hàng đầu gây nên căn bệnh ung thư. Các loại rau, củ… có thể được nấu chín qua nước sôi, giải phóng phần nào các loại hóa chất tồn dư thì trái cây lại ăn tươi nên chất độc đi thẳng trực tiếp vào cơ thể. Do vậy khả năng gây bệnh từ loại trái cây này là rất lớn.
TS Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam