Việt Nam chưa có người nhiễm cúm gia cầm mới

Theo VNE,
Chia sẻ

Sự xuất hiện virus cúm gia cầm mới nguy hiểm hơn khiến nhiều người lo sợ, tuy nhiên theo WHO, sự biến đổi này không làm tăng nguy hiểm với con người.

Việt Nam cũng chưa ghi nhận ca nào nhiễm virus phân nhóm mới này. 
 
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có thông báo về việc xuất hiện một loại virus H5N1 mới, có độc lực cao hơn nhiều loại cũ. 
 
Theo phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ tháng 8 năm ngoái, Tổ chức Nông Lương Quốc tế đã có cảnh báo về sự biến đổi của virus cúm A/H5N1 phân nhóm 2.3.2 ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
 
Sự biến đổi nhỏ này không có gì bất thường trong quá trình tiến hóa tự nhiên của virus. 
 
"Đây chỉ là biến đổi nhỏ của virus, tạo ra một phân nhánh mới, chứ chưa biến đổi lớn để tạo ra một chủng mới. Dù vậy, vẫn cần phải tăng cường giám sát virus đang lưu hành ở gia cầm để sớm phát hiện ra sự thay đổi và đưa ra các chiến lược khống chế phù hợp dịch ở gia cầm và bảo vệ sức khỏe con người", phó giáo sư Hiển nhấn mạnh. 
 
Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng, sự biến đổi này của virus không làm tăng các nguy cơ về y tế đối với con người. Bức tranh về cúm gia cầm ở người vẫn không thay đổi.
 
Dịch xảy ra tản phát và lẻ tẻ ở người, chủ yếu ở khu vực có sự lưu hành của virus trên gia cầm, qua tiếp xúc với gia cầm hay môi trường bị nhiễm virus và chưa có sự lây truyền từ người sang người. 
 
Cũng theo phó giáo sư Hiển, kết quả nghiên cứu các chủng virus cúm H5N1 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy có sự thay thế virus cúm gia cầm phân nhóm 1 (trước năm 2007) bằng phân nhóm 2.3.4 (từ năm 2007 đến nay).
 
Từ 2005 đến nay, virus cúm A/H5N1 tuy có biến đổi chút ít, nhưng về cơ bản độc lực vẫn như trước.
 
Việt Nam chưa có người nhiễm cúm gia cầm mới
Phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: N.P. 
 
"Qua theo dõi giám sát các ca bệnh ở người nhìn chung cho đến thời điểm hiện nay tôi chưa thấy có điều gì bất thường. Nguy cơ đáng lo ngại nhất là virus cúm A/H5N1 vẫn đang tiếp tục lưu hành và gây dịch ở gia cầm.
 
Nó có thể tiếp tục biến đổi nhỏ, sắp xếp lại các gene, tái tổ hợp với các virus cúm lưu hành ở động vật và người để hình thành một chủng cúm mới có độc lực cao và có khả năng lây truyền từ người sang người", phó giáo sư Hiển cho biết. 
 
Vì thế, ông cho rằng ngành thú y phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, chủ động, tăng cường giám sát virus cúm ở gia cầm và ở người để sớm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thích hợp, ngăn chặn sự lây truyền dịch ở gia cầm và từ gia cầm sang người. 
 
Để phòng tránh bệnh thì người dân phải ưu tiên ngăn chặn ngay lập tức sự lan truyền dịch ở gia cầm như: thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh tẩy uế chuồng trại bằng các thuốc sát khuẩn, tiêm vacxin cho đàn gia cầm.
 
Cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan. 
 
Bên cạnh đó, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm bệnh. Tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến thức ăn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn. Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để khám, phát hiện và điều trị kịp thời.




Việt Nam chưa có người nhiễm cúm gia cầm mới

Chia sẻ