Tử vong vì bị nhầm sốt rét với sốt xuất huyết
Triệu chứng thường thấy là rét run, sốt nóng, ra mồ hôi, tuy nhiên một số trường hợp không có triệu chứng điển hình mà chỉ thấy ớn lạnh, lúc sốt lúc không
Sốt kéo dài, anh Chính được bệnh viện tư chẩn đoán sốt xuất huyết, điều trị một tuần nhưng không khỏi. Đến khi chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, anh mới biết là mắc sốt rét ác tính.Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, người thanh niên 25 tuổi trong trạng thái lơ mơ, rối loạn tri giác, sốt 39,5 độ, da vàng. Kết quả kiểm tra cho thấy lượng ký sinh trùng sốt rét trong máu rất cao.
Trước tình huống nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành những biện pháp cấp cứu tối ưu trong đó có lọc máu, tuy nhiên do bệnh đã đến giai đoạn quá nặng nên bệnh nhân không qua khỏi. Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân này là do nhập viện quá muộn.
Một trong những bệnh nhân sốt rét ác tính bị biến chứng phải điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM. Ảnh: Thiên Chương. |
Cùng điều trị tại khoa nhiễm Việt - Anh (Bệnh viện Nhiệt đới), bệnh nhân Sơn Thành, 20 tuổi ngụ tại Châu Thành, Trà Vinh, được xem là một trong những trường hợp mắc sốt rét ác tính bị biến chứng nặng nhất từ đầu năm đến nay.
Người nhà bệnh nhân cho biết, anh này bị sốt trong thời gian làm rẫy ở tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên nghĩ bị sốt thường nên anh chỉ mua thuốc uống mà không đi bệnh viện khám. "Đến khi chịu hết nổi phải nhập viện thì các bác sĩ cho biết con tôi đã bị biến chứng não, suy thận và xuất huyết nội tạng", mẹ bệnh nhân nói.
Phải qua nhiều ngày điều trị, hiện anh Sơn mới tạm qua cơn nguy kịch, tuy nhiên vẫn phải nằm viện để theo dõi.
Ngoài trường hợp tử vong trên và ca biến chứng của bệnh nhân Sơn Thành, theo thống kê của khoa Nhiễm Việt - Anh (nơi chuyên điều trị các ca sốt rét ác tính nặng ở phía Nam), từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận hơn 30 trường hợp khác đều nguy kịch đến tính mạng do sốt rét.
Phó khoa Nhiễm Việt - Anh, bác sĩ Nguyễn Hoan Phú nhận định, nguyên nhân dẫn đến biến chứng nặng chủ yếu do cả người bệnh lẫn bác sĩ đều không nghĩ tình trạng "hết lạnh cóng rồi lại nóng phừng phừng" của bệnh nhân là do ký sinh trùng sốt rét gây nên.
"Cách đây 10 năm, Việt Nam được thế giới học xem như tấm gương trong cách điều trị sốt rét bởi chúng ta đã khống chế hiệu quả căn bệnh này. Tuy nhiên khống chế được không đồng nghĩa với việc không còn sốt rét. Tại miền Nam, ký sinh trùng gây bệnh vẫn còn lưu hành tại các tỉnh Bình Phước, KonTum, Đăk Lăk", ông Phú nói.
Bác sĩ Phú cũng cho biết, qua những trường hợp nhập viện muộn, nguyên nhân thường thấy là do người bệnh đi đến vùng có ký sinh trùng sốt rét trở về các tỉnh thành khác mới phát sốt, nhưng lại không báo với bác sĩ. Chính vì thế các bác sĩ không nghĩ đến việc xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét. Thêm nữa khi sốt rét trở thành ác tính, các xét nghiệm cũng cho thấy tiểu cầu giảm nên nhầm với sốt xuất huyết.
Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, sốt rét là bệnh do muỗi Anopheles mang mầm bệnh gây nên. Triệu chứng thường thấy là rét run, sốt nóng, ra mồ hôi, tuy nhiên một số trường hợp không có triệu chứng điển hình mà chỉ thấy ớn lạnh, lúc sốt lúc không.
Sau 72 giờ mắc bệnh, một số trường hợp có thể chuyển sang sốt rét ác tính với các dấu hiệu như rối loạn ý thức, rối loạn tiêu hóa, đau đầu dữ dội. Những người chưa từng bị mắc sốt rét, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, trẻ em và những người bị suy giảm miễn dịch, thường dễ bị rốt rét ác tính.
Việc xét nghiệm ký sinh trùng rốt rét rất đơn giản, ngay cả bệnh viện tuyến phường xã cũng đã đủ chẩn đoán và xử trí ban đầu. Chỉ cần lấy giọt máu của người nghi bị bệnh, soi lên kính hiển vi, nếu mắc sốt rét thì ký sinh trùng sẽ hiện ra. Việc điều trị với những trường hợp phát hiện sớm cũng không khó.
Từ thực tế "bệnh dễ chẩn đoán, dễ khống chế nhưng vẫn còn có người tử vong và mỗi tháng hàng chục người nhập viện trong tình trạng nguy kịch", các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM khuyên người dân, nêu có triệu chứng sốt sau khi đến những vùng có dịch lưu hành, thì phải báo đến cơ sở y tế khám đồng thời nói rõ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Vnexpress