Thực phẩm phòng chống say nắng

,
Chia sẻ

Mùa nóng, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em có nguy cơ dễ bị say nắng khi tiếp xúc với ánh nắng gay gắt của mặt trời.

Nếu không chú ý và xử lý kịp thời thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
 
Ai dễ bị say nắng?
 
Sở dĩ người cao tuổi dễ bị say nắng là do tuyến mồ hôi dưới da bị teo lại, hoạt động của hệ tuần hoàn bị suy yếu, cơ thể tỏa nhiệt không nhanh. Còn phụ nữ có thai và sản phụ là đối tượng có sức khỏe yếu.
 
Việc mang thai và sinh nở đã làm tiêu hao của họ nhiều năng lượng. Ngay cả khi ngồi trong nhà nhưng nhiệt độ cao, không thông thoáng, nhóm người này cũng có thể bị say nắng. Trẻ sơ sinh cũng dễ bị say nắng do cơ thể phát triển chưa được hoàn thiện dẫn đến việc điều tiết thân nhiệt cơ thể kém.
 
Ngoài ra, những người mắc một số bệnh tim mạch cũng dễ bị say nắng, do thời tiết nóng nực khiến thần kinh phấn chấn, tăng gánh nặng cho tim. Mặt khác, do chức năng tim không hoàn thiện khiến hơi nóng trong người tỏa ra không kịp nên dẫn đến say nắng.


Uống nhiều nước nhưng không nên lạm dụng nước đá

 
Người bị viêm nhiễm, suy dinh dưỡng có thể khiến hơi nóng trong người tăng lên nhanh chóng, vi khuẩn và virus làm cho cơ thể tiết ra những chất không có lợi cho việc tỏa nhiệt nên dễ bị say nắng. Những người bị suy dinh dưỡng thường tụt huyết áp, mạch máu bị co bóp mang tính phản xạ.

Triệu chứng thường gặp ở người bị say nắng là: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, da khô, đỏ, toát mồ hôi, mạch đập nhanh, sốt cao, mắt lờ đờ, có thể bất tỉnh. Nếu không được sơ cứu kịp thời, say nắng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, ngay từ đầu mùa hè, mọi người nên chú ý các biện pháp phòng ngừa.

Các thực phẩm chống say nắng

Cách đơn giản nhất là uống nhiều nước. Tuy nhiên, nên uống từ từ, uống bằng nước ấm, không nên lạm dụng nước đá, nên uống nước ngay cả khi không khát. Ngoài ra, ăn nhiều rau xanh và hoa quả cũng giúp cơ thể chống lại say nắng. Một số loại hoa quả như bí đao có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, thanh nhiệt, giải độc.
 
 

Đào có công dụng sinh tân, nhuận tràng, hoạt huyết, tiêu tích. Ăn nhiều đào có lợi cho việc chữa trị những chứng bệnh: khát khô, bứt rứt, máu ứ, đại tiện không thông, tiểu tiện không lợi, bụng chướng đầy hơi.

Dưa hấu có công dụng giải phiền chống khát, thanh nhiệt, giải say nắng, say nóng. Nên ăn vào lúc nóng nực, chân tay buồn bực, oi nồng khát nước, khi bị những bệnh như: tiểu tiện không thông, sưng họng, lở mồm.

Mướp đắng (khổ qua) vị ngọt, đắng, tính hàn. Mướp đắng già chuyển sang màu vàng sẫm vị cam, tính bình. Mướp đắng có thể tiêu trừ nhiệt tà, giảm bớt mệt nhọc, thanh tâm minh mục. Những người lao động, công tác mệt nhọc có thể ăn nhiều hơn những người bình thường.

Dưa chuột vỏ xanh nhựa nhiều, hàm lượng nước khoảng 97% là thực phẩm thượng hạng có tác dụng sinh tân giải khát. Dưa chuột tươi có công hiệu thanh nhiệt giải độc rất tốt. Ngoài ra, dưa chuột có tác dụng nhuận tràng, giảm đau đường ruột. Những người bị táo bón, bí đại tiện nên ăn nhiều dưa chuột vào mùa hè.

Bí đỏ bổ trung, ích khí, tiêu viêm, giảm đau. Các loại cà chua, rau xà lách, măng tươi cũng có lợi cho cơ thể chống say nắng.

Bên cạnh đó, khi ra nắng nên mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang, kính râm, đặc biệt là đội mũ để giảm bớt tốc độ hút hơi nóng của đỉnh đầu. Ngoài ra, có thể thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra nắng.
 
 
 
Theo SKDS
Chia sẻ