Sự thật về viêm phổi
"Viêm phổi" luôn là một từ đáng sợ trong tâm trí mọi người. Vậy thực sự căn bệnh này ra sao? Việc điều trị có thực sự phức tạp như nỗi lo ngại? Có thể phòng ngừa không?
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm ở phổi, gây ra các triệu chứng như ho, sốt cao và có những lúc thấy khó thở.
Đối với hầu hết mọi người, viêm phổi có thể điều trị tại nhà. Bệnh thường khỏi sau 2-3 tuần. Nhưng với người già, trẻ nhỏ và những người đang mang các bệnh khác thì tình trạng viêm phổi có thể diễn tiến bất thường vì thế cần được điều trị tại bệnh viện.
Cái gì gây ra viêm phổi?
Vi trùng gồm vi khuẩn hay virus gây ra chứng viêm phổi.
Bệnh thường khởi phát khi bạn hít phải vi trùng và chúng lọt vào phổi.
Bệnh có thể khởi phát sau một trận cảm lạnh hay cảm cúm. Nguyên nhân là hệ hô hấp bị yếu đi, mất khả năng chiến đấu với kẻ lạ xâm nhập và vì thế dễ bị viêm phổi.
Mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư hay tiểu đường cũng dễ bị viêm phổi.
Triệu chứng
Các biểu hiện viêm phổi do vi khuẩn thường diễn tiến rất nhanh. Chúng bao gồm:
- Ho. Thường ho ra đờm. Đờm này có thể màu vàng hay xanh hoặc có thể lẫn máu
- Sốt
- Thở nhanh và hơi thở nông
- Rùng mình (có thể chỉ bị 1 lần hoặc lặp lại nhiều lần liên tục)
- Đau ngực và thường cảm thấy tình trạng tệ đi khi ho hay hít vào
- Nhịp tim nhanh
- Cảm thấy rất mệt hoặc yếu
- Buồn nôn hay nôn vọt
- Tiêu chảy
Ở người già, biểu hiện có thể khác hơn. Thường họ ít sốt hoặc có thể ho nhưng không có đờm. Dấu hiệu chính của viêm phổi ở người già là sự thay đổi về mặt nhận thức. Họ thường mê sảng hoặc lẫn lộn. Nếu người già đã có bệnh ở phổi sẵn thì biểu hiện bệnh sẽ nặng hơn.
Nếu viêm phổi do virus thì các triệu chứng tương tự như vi khuẩn nhưng diễn tiến thường chậm hơn và thường không nghiêm trọng hoặc không rõ ràng.
Chẩn đoán bệnh
Bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng và làm các xét nghiệm như chụp X-quang và xét nghiệm máu.
Sẽ cần làm nhiều xét nghiệm hơn nếu biểu hiện bệnh nặng hơn, là người già hay có các vấn đề sức khỏe khác.
Điều trị như thế nào?
Nếu viêm phổi do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê kháng sinh và người bệnh cần uống đủ liều, theo đơn kê của bác sĩ. Không được ngừng uống nếu thấy bệnh đỡ hơn.
Bệnh thường đỡ hơn sau 2-3 ngày uống kháng sinh. Nếu thấy tình trạng không đỡ thì cần gọi ngay cho bác sĩ.
Nghỉ ngơi, ngủ và uống nhiều nước sẽ giúp giảm tình trạng bệnh. Không hút thuốc. Nếu ho làm bạn thức giấc lúc nửa đêm thì cần trao đổi với bác sĩ để được kê thuốc giảm ho.
Viêm phổi do virus không điều trị bằng kháng sinh. Thỉnh thoảng, kháng sinh vẫn được kê để ngăn ngừa các biến chứng. Nhưng điều trị tại nhà như nghỉ ngơi và chăm sóc họng thường là cách tốt nhất.
Phòng ngừa viêm phổi như thế nào?
Nếu là người ngoài 65 tuổi, hút thuốc hoặc có vấn đề về phổi, tim thì nên tiêm vắc-xin phòng viêm phổi. Tuy nó không chặn được viêm phổi nhưng khi mắc, biểu hiện sẽ nhẹ và ít biến chứng hơn.
Hạn chế tiếp xúc với những người bị cúm, cảm lạnh, sởi hay thủy đậu.