Phòng các bệnh bùng phát thời điểm giao mùa

,
Chia sẻ

Đang thời điểm bùng phát các bệnh thủy đậu, sởi, rubella, viêm màng não, tiêu chảy, mạnh nhất là ở TP HCM. Dưới đây là cách phòng ngừa các bệnh dễ phát sinh trong mùa này.

Thủy đậu

Đây là thời điểm bệnh thủy đậu có khả năng bùng phát thành dịch do virut Varicella Zoster gây nên, nhất là ở trẻ em. Thủy đậu có thể gây những biến chứng nặng, điều trị không cẩn thận sẽ nhiễm vi khuẩn đến viêm não. Bội nhiễm da có thể để lại sẹo vĩnh viễn, gây rỗ da. Biến chứng của thủy đậu có tác hại đến hệ thần kinh trung ương, có thể gây viêm phổi, dẫn đến tử vong.

Phòng bệnh:  Bệnh thủy đậu rất dễ lây, 90% những người nhạy cảm sau khi tiếp xúc với người nhiễm virut thủy đậu sẽ bị mắc bệnh. Khi đã bị thủy đậu cần cách ly người bệnh cho đến khi tất cả các mụn nước đã đóng vảy. Biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là tiêm chủng ngừa văcxin nhưng phải tiêm chủng trước khi xảy ra dịch để tạo miễn dịch cho cơ thể.

Viêm màng não mủ

Viêm màng não mủ thường xảy ra với trẻ em. Bệnh do vi trùng hay siêu vi trùng, đứng đầu là Haemophilus Influenzae gây nên và thường xuất hiện sau khi vùng tai mũi họng bị viêm nhiễm, vi trùng đi vào màng não gây viêm màng não mủ. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng như điếc, câm, tổn hại thần kinh...

Phòng bệnh: Bệnh rất dễ lây lan qua tiếp xúc, qua đường hô hấp. Chủng ngừa là cách phòng bệnh tốt nhất.  Cần tiêm vắc- xin phòng bệnh cho trẻ dưới 5 tuổi. Cụ thể, trẻ 2 – 6 tháng tiêm 3 liều, mỗi liều cách nhau ít nhất 4 tuần. Nhắc lại, lúc 18 - 24 tháng ; Trẻ 6 tháng - 12 tháng tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau ít nhất 4 tuần; Trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi: 1 liều duy nhất.

Tiêu chảy

Vệ sinh sạch sẽ là cách phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hiệu quả
 
Đây là bệnh rất dễ bùng phát mạnh vào mùa hè do ruồi nhặng phát triển, nguồn nước ô nhiễm, ăn uống mất vệ sinh... nên vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có điều kiện xâm nhập đường tiêu hóa và gây tiêu chảy.

Phòng bệnh và điều trị: Khi bị tiêu chảy cần đến các bệnh viện hoặc trung tâm y tế để làm xét nghiệm phân (soi tươi, nuôi cấy),.. và có biện pháp để bù nước kịp thời bằng các loại thuốc như Oresol, Eletrolade, Hydrid...

Để phòng bệnh cần chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi, không ăn hàng quán bừa bãi, không ăn thức ăn đã ôi thiu và vệ sinh nhà ở và khu vực xung quanh cho sạch sẽ, tránh để ruồi nhặng phát triển.

Rubella

Rubella (bệnh sởi Đức) là một bệnh truyền nhiễm do vi rút rubella gây ra. Bệnh có thể xảy ra thành dịch rất nguy hiểm. Bệnh có khả năng gây nên những dị tật bẩm sinh nặng nề ở bào thai. Trẻ mắc rubella bẩm sinh dễ gặp các biến chứng nặng nề như bại não, tổn thương phổi, mù mắt... Người lớn mắc bệnh thường bị đau và sưng ở các khớp ngón tay, cổ tay, đầu gối, viêm não, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm thần kinh, ...

Phòng bệnh: Bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp nên cần cách ly người bệnh nhanh chóng. Cách phòng bệnh hiệu quả của bệnh này cũng là tiêm vacxin. Bệnh nhân mắc rubella cần được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và dùng các thuốc nâng cao thể trạng, các loại vitamin có khả năng tăng sức chống đỡ của cơ thể.
 
Chân tay miệng
 
Thời tiết nóng ấm là thời điểm rất dễ bùng phát bệnh chân tay miệng. Bệnh chân tay miệng thường xảy ra ở trẻ em và nếu không được chăm sóc, điều trị kịp thời bệnh rất dễ biến chứng thành viêm não dẫn đến tử vong ở trẻ.
 
Khi trẻ bị bệnh, cần giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ. Khi lau rửa cho trẻ phải thật nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các bọng nước hoặc làm xây xước da. Bên cạnh đó cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ để nâng cao sức đề kháng.
 
Phòng bệnh: Hiện chưa có vacxin phòng bệnh nhưng vẫn có thể phòng ngừa.
 
Bệnh này do nhóm virut đường ruột gây nên dễ lây truyền qua đường tiêu hoá. Bởi vậy việc vệ sinh thực phẩm rất quan trọng. Cần tránh không cho trẻ nhỏ ăn các loại thực phẩm chế biến tái, ăn chín, uống sôi, cách ly với người có bệnh.
 
L.A
Chia sẻ