Những phương pháp chữa sỏi thận ít biến chứng
Ở Việt Nam đa phần bệnh nhân sỏi thận đến bệnh viện thường có biến chứng nên phương pháp phẫu thuật vẫn còn cao.
Sỏi thận chiếm khoảng 30 - 50% trong các bệnh về tiết niệu. Nguyên nhân chủ yếu là do biến chứng của các bệnh toàn thân như gút, tiểu đường và thói quen sinh hoạt, uống ít nước, ăn nhiều đạm, béo... Khi mắc sỏi nên lựa chọn phương pháp chữa nào để an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân?
Ca phẫu thuật điều trị sỏi thận tại Bệnh viện 103.
Theo hình thể (hình dáng) thì sỏi thận được chia làm 5 loại là sỏi san hô, bán san hô, sỏi giãn đài bể thận, sỏi thận nhiều viên, sỏi đài thận. Còn phân theo bệnh lý thì người ta gọi sỏi biến chứng và sỏi chưa biến chứng. Sỏi biến chứng là những người có thận giãn, mất chức năng, sỏi 2 bên gây suy thận.
Trước khi kết luận bệnh nhân mắc sỏi thận hay không và loại gì thì cần làm một số xét nghiệm gồm: Siêu âm thận, chụp phim (phim chụp hệ tiết niệu không chuẩn bị, phim chụp thận thuốc tĩnh mạch (tiêm thuốc vào đường tĩnh mạch rồi chụp), chụp cắt lớp vi tính có bơm thuốc cản quang, chụp CT, xét nghiệm máu, nước tiểu...
Trong điều trị sỏi thận thường có 3 phương pháp được dùng: Điều trị nội khoa, điều trị bằng phương pháp ít sang chấn, phẫu thuật. Bệnh nhân được điều trị nội khoa khi sỏi thận chưa gây biến chứng suy thận, sỏi nhỏ nằm ở đài thận. Thường dùng thuốc Nam và một số loại thuốc Tây.
Đối với phương pháp điều trị ít sang chấn thì có phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể và tán sỏi qua da. Tán sỏi ngoài cơ thể thường dùng trong sỏi đài thận, bán san hô, kích thước sỏi < 2cm, chưa suy thận, đường niệu hoàn toàn bình thường, không có dị dạng, không cản trở, ví dụ như ở dưới niệu quản không có sỏi chặn. Bác sĩ sẽ dùng sóng rung tác động vào viên sỏi, để sỏi ngấm nước, tự nứt vỡ và đào thải ra ngoài bằng đường tự nhiên.
Tuy nhiên, sóng rung tập trung vào sỏi, nhưng cũng có thể hại đến các tổ chức khác và sỏi rơi xuống, tắc niệu quản gây đau. Những bệnh nhân có bệnh kết hợp như cao huyết áp không được dùng phương pháp này, người béo phì có lớp mỡ dày hơn người gầy nên tỷ lệ thành công ít hơn. Phương pháp tán và lấy sỏi qua da chỉ định cho bệnh nhân sỏi đài thận, bể thận, san hô.
Bác sĩ sẽ chọc, tạo một đường hầm từ ngoài vào đài bể thận, rồi nong rộng đường hầm ra, đưa máy tán sỏi thận vào, nhìn sỏi và dùng máy tán, thường dùng là máy tán siêu âm giúp vỡ sỏi, rồi dùng năng lượng điện động lực gõ cho sỏi vỡ, hút sỏi ra ngoài bằng cách đặt ống xông dẫn lưu thận.
Trong hút tạo đường hầm có thể làm tổn thương các tạng khác trong ổ bụng và chảy máu. Khi tán sỏi có thể làm thủng đài bể thận. Phương pháp cuối cùng là phẫu thuật mở được dùng cho sỏi san hô, sỏi nhiều viên, sỏi đã làm các kỹ thuật khác mà không thành công, sỏi có biến chứng như suy thận, mủ...
Trong hút tạo đường hầm có thể làm tổn thương các tạng khác trong ổ bụng và chảy máu. Khi tán sỏi có thể làm thủng đài bể thận. Phương pháp cuối cùng là phẫu thuật mở được dùng cho sỏi san hô, sỏi nhiều viên, sỏi đã làm các kỹ thuật khác mà không thành công, sỏi có biến chứng như suy thận, mủ...
Phương pháp này có thể gặp biến chứng là tổn thương tạng khác khi mổ, nhiễm khuẩn, chảy máu, nếu mổ trên thận đơn độc có thể gây suy thận cấp sau mổ.
Ở các nước phát triển, bệnh nhân thường được phát hiện sớm và có điều kiện kinh tế nên thường được dùng phương pháp nội khoa và ít sang chấn, nhưng ở Việt Nam đa phần bệnh nhân sỏi thận đến bệnh viện thường có biến chứng nên phương pháp phẫu thuật vẫn còn cao.