Nhân sâm bổ hay độc với trẻ nhỏ?
Nhiều bà mẹ cho con uống nước sắc nhân sâm với mật ong để cải thiện tình trạng chán ăn. Làm như vậy có lợi hay hại cho trẻ nhỏ?
Chúng tôi giới thiệu ý kiến của ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, trưởng khoa đông y, bệnh viện trung ương quân đội 108 giải đáp thắc mắc này.
|
Trong y học cổ truyền, các vị thuốc có công dụng bổ dưỡng không ít, trong đó có nhiều thứ nổi tiếng như nhân sâm, nhung hươu, đông trùng hạ thảo, cao hổ cốt, thục địa, đương quy... Nhưng, như cổ nhân đã nói “dược tính giai thiên”, có nghĩa là thuốc y học cổ truyền nói chung và thuốc bổ dưỡng nói riêng đều mang tính thiên lệch, có thứ thiên hàn, có thứ thiên nhiệt, có thứ bổ âm, có thứ bổ dương, bổ khí, bổ huyết khác nhau. Vậy nên, trong quá trình chẩn trị, người thầy thuốc y học cổ truyền trên cơ sở nắm vững tính vị của từng vị thuốc phải biết lựa chọn, phối hợp một cách khôn khéo và hợp lý để đạt được mục đích lấy cái thiên lệch của dược liệu mà điều chỉnh cái thiên lệch trong cơ thể con người nhằm lập lại cân bằng âm dương, khí huyết.
Nhân sâm là một vị thuốc có công dụng đại bổ nguyên khí, được dùng trong y học cổ truyền từ hàng ngàn năm nay. Trong nhi khoa đông y, nhiều chứng bệnh rất cần dùng nhân sâm nói riêng và các loại sâm khác nói chung như đẳng sâm, cát lâm sâm, tây dương sâm, thái tử sâm... Ví dụ, khi trẻ bị mắc chứng cam tích (suy dinh dưỡng) ở thể tỳ vị hư nhược thì phương pháp điều trị phải bổ khí, kiện tỳ, ích vị và bài thuốc thường dùng có tên là Sâm linh bạch truật tán, trong thành phần có nhân sâm hoặc đẳng sâm thay thế; khi trẻ bị mắc chứng huyết hư (thiếu máu, suy nhược cơ thể; thường gặp trong giai đoạn hồi phục sau khi mắc các bệnh lý nội ngoại khoa) ở thể khí huyết bất túc thì phương pháp điều trị phải bổ khí, dưỡng huyết và bài thuốc thường dùng có tên là bát trân thang hoặc nhân sâm dưỡng vinh thang, trong thành phần các bài thuốc này cũng có nhân sâm hoặc một loại sâm khác thay thế. Bởi vậy, đối với trẻ em, nhân sâm có thể và cũng rất cần dùng khi yêu cầu trị liệu đặt ra.
Tuy nhiên, như đã phân tích, nếu trẻ có thể chất khoẻ mạnh, phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh lý thuộc hư chứng thì nhất thiết không cần dùng thuốc bổ nói chung và nhân sâm nói riêng. Nếu dùng thì trẻ phải được thầy thuốc chuyên khoa thăm khám toàn diện để chẩn đoán chính xác và xem bệnh lý của trẻ thuộc loại nào, từ đó mới lựa chọn thuốc bổ phù hợp. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng với nhân sâm mà tất cả các loại thuốc bổ đông y khác như nhung hươu, cao hổ cốt, kỷ tử, hoàng kỳ, thục địa... cũng phải tuân thủ triệt để.
Chỉ có bệnh lý thuộc thể khí hư mới cần dùng thuốc bổ khí, trong đó có nhân sâm nói riêng và các loại sâm nói chung. Nếu tuỳ tiện dùng nhân sâm cho trẻ bình thường, có thể làm xáo trộn quá trình dậy thì của trẻ, nhất là những bé trai ở độ tuổi từ 13 – 16 tuổi. Những tác dụng phụ do dùng nhân sâm gây ra còn khiến trẻ bị rối loạn đường tiêu hoá, thần kinh không bình thường, lâu dài dẫn đến mất ngủ và dễ bị kích động…