"Nhắm mắt" ăn các loại thực phẩm chứa nhiều hóa chất độc hại

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Hãy là người tiêu dùng thông minh để phân biệt được những loại thực phẩm nào có nhiều nguy cơ chứa nhiều hóa chất độc hại.

"Nhắm mắt" ăn thực phẩm có hóa chất

Thực trạng thực phẩm bị ngâm, tẩm hóa chất đang dần trở thành vấn đề được đề cập nhiều trong cuộc sống hiện nay. Thế nhưng, việc phân biệt các thực phẩm sạch và thực phẩm chứa hóa chất lại không hề đơn giản. Nếu chỉ nhìn qua, chúng ta sẽ khó nhận ra đâu là thực phẩm được "tẩm", chứa hóa chất, chính vì vậy, người tiêu dùng đành chấp nhận nhắm mắt mà ăn các loại thực phẩm không an toàn, nhiễm bẩn và ngậm đầy hóa chất đó.

Chị Lan (Xuân Đỉnh, Hà Nội) là người thường xuyên đi chợ mua thức ăn cho gia đình hàng ngày. Thế nhưng khi được hỏi về thực phẩm nào chứa hóa chất thì câu của chị là "không biết đường nào mà phân biệt. Cầm mớ rau nhìn ngon cũng nghi nghi là có phun thuốc kích thích nhưng không mua thì cũng chẳng biết ăn gì". Chị chia sẻ: "Mình phụ trách việc đi chợ, nấu nướng cho cả gia đình 6 người. Xem báo đài phản ánh mà kinh hãi vì cái cách mà người ta giữ thịt ôi tươi lâu, hải sản thì bơm chất làm nặng; ngâm hóa chất cho hoa quả, rồi rau phun thuốc trừ sâu, sử dụng chất kích thích để lớn nhanh... Nhiều hôm ra chợ với tâm thế đề phòng và luôn miệng hỏi 'cái này có sạch không chị?' người bán hàng. Thế nhưng biết thế nào được. Người ta nói sạch thì cũng chỉ biết thế và liều mua để đảm bảo cung ứng thực phẩm cho gia đình".

hình ảnh thực phẩm bẩn
Hình ảnh thực phẩm bẩn...

hoa quả tiêm thuốc để ép chín
... hoa quả được tẩm hóa chất để ép chín khiến bất cứ ai cũng phải rùng mình.

Còn chị Hoàng Xuyến (Thanh Xuân, Hà Nội) lại tỏ ra có chút tự tin hơn: "Rau cỏ nào chẳng có hóa chất, thịt cũng có ý chứ nên muốn tránh cũng không được, tốt nhất là nên tự loại bỏ chất độc thôi". Và cách mà chị Hoàng Xuyến cho rằng có thể "loại bớt độc tố" chính là dùng máy sục ozôn hoặc về đun nước trần thịt rồi đổ đi.

Cũng "nhắm mắt" mua thực phẩm về để nấu ăn cho gia đình, chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Chả phải riêng mình tôi đâu. Bây giờ hầu hết các mẹ, các chị đi chợ đều ở cái tâm thế 'nhắm mắt làm ngơ' ấy. Biết, nghi ngờ rõ ràng đấy, nhưng chả biết làm thế nào. Nhà thì ở trong phố, đất canh tác không có thì đành phải ra chợ. Sang chảnh hơn thì tìm đến các cửa hàng rau an toàn. Nhưng nói thật tôi cũng có hoài nghi vì không biết những cửa hàng an toàn mà mình từng mua thực phẩm có thực sự an toàn. May ra được hôm nào bố mẹ đẻ tôi ở quê tự trồng rau, nuôi gà chuyển ra cho các con thì được bữa ăn ngon và hoàn toàn tin tưởng".

Lựa chọn thực phẩm thông minh 

Khi đi mua sắm thực phẩm cho gia đình, bạn cần là người tiêu dùng thông minh để phân biệt được những loại thực phẩm nào có nhiều nguy cơ mất an toàn.

Hoa quả "ngậm" hóa chất 

thực phẩm chứa hóa chất độc hại

Hoa quả "ngậm" hóa chất đang được sử dụng rất nhiều, gây hại lớn cho sức khỏe con người. Theo các chuyên gia cho biết một số loại hóa chất được dùng để kích thích trái cây chín chứa thành phần ethylen, ethephone – một hợp chất gây hại khôn lường cho sức khỏe người sử dụng ảnh hưởng hệ thần kinh, tiêu hóa và lâu dài dẫn đến ung thư. Hoạt chất ethephon chỉ được phép sử dụng kích thích các loại thực vật ra hoa, hay kích thích mủ ở cây cao su chứ hoàn toàn không được phép đăng ký để thúc đẩy trái cây chín.

Việc lựa chọn trái cây chín tự nhiên đang bị trà trộn với các loại trái cây chín ép bán tràn lan ở vỉa hè, chợ, siêu thị là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. 

Khi chọn mua hoa quả, bạn cần lưu ý những điều sau:

Hình dáng bên ngoài: Còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống. Cảnh giác loại quá "mập".

Màu sắc: Có mầu sắc tự nhiên của  quả, không úa, héo. Chú ý các loại quả xanh hoặc có mầu sắc bất thường.

 Sờ nắn có cảm giác nặng tay, giòn chắc, không bị núm quả, cuống quả núm hoặc thâm nhũn, hoặc còn dính hóa chất, khi bổ ra hoặc khi bóc vỏ thấy biến mầu giữa lớp vỏ và thịt quả…

Mùi: Không có mùi lạ. Nếu lượng hóa chất tồn dư nhiều, ngửi thấy mùi hắc, mùi hóa chất.

Rau xanh chứa hàm lượng thuốc trừ sâu cao

thực phẩm chứa hóa chất độc hại

Rau xanh là thực phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, ngày nay vì chạy theo lợi ích kinh doanh những loại rau xanh này lại chứa nhiều chất bảo quản, ngậm thuốc trừ sâu lớn gấp nhiều lần so với các loại thực phẩm khác.

Nếu người tiêu dùng mua phải những loại rau không đảm bảo an toàn, chứa nhiều hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như bị tiêu chảy, ngộ độc, thậm chí nguy cơ bị mắc ung thư cao nếu sử dụng rau quả 'bẩn' trong khoảng thời gian dài. 

Trong đó các loại rau muống, cần, cải, đậu cô ve… Đây là loại rau được xếp hàng đầu trong danh sách những loại rau mùa hè chứa nhiều hóa chất nhất. Người ta không chỉ trồng, thả rau muống tại những kênh mương, hồ ao ô nhiễm, màu nước đen kịt mà còn tưới nhiều loại hóa chất, thuốc trừ sâu để rau luôn xanh mơn mởn.

Những loại rau này sẽ rơi vào tình trạng bị nhiễm chì, hóa chất độc hại. Khi sử dụng thường xuyên, chất độc tích tụ trong cơ thể có thể gây ra một số bệnh về đường tiêu hóa, làm tăng nguy cơ ung thư. Do vậy, bạn nên cẩn trọng mua rau muống ở những địa chỉ tin cậy, đảm bảo an toàn.

Ngoài ra một số loại rau này được trồng trong vùng đất bị ô nhiễm, tưới phân tươi hay nước thải bẩn cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khoẻ của người tiêu dùng.

Để chọn loại rau an toàn, theo các chuyên gia khuyến cáo ngoài việc mua rau ở nơi đủ tiêu chuẩn kinh doanh thì cũng phải dùng cảm quan để lựa chọn rau. 

Khi mua rau về nhà, cần phải đảm bảo quy trình vệ sinh sơ chế như: ngâm, rửa nước dưới vòi, để ráo nước… với việc làm đó thì việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cũng như các tạp chất trên rau sẽ được giảm đến mức tối đa.

Để chọn được rau an toàn cần phải dựa vào một số dấu hiệu như, vẻ bề ngoài rau sạch thường không bóng bẩy láng mướt như loại vẫn được phun thuốc kích thích. Lá và thân hơi cứng, ít có vẻ mơn mởn. 

Điều này không chỉ đúng với các loại rau muống, ngót, cải mà còn thấy cả ở cải bắp - lớp vỏ ngoài có vẻ khô cứng hơn, ít độ bóng.

Thịt, cá và loại hải sản được “phù phép” với hóa chất

thực phẩm chứa hóa chất độc hại

Thịt lợn dùng chất tạo nạc Clenbuterol là một loại thuốc thú y chủ yếu được sử dụng để điều trị co thắt phế quản ở ngựa. Nó thuộc về nhóm các chất tổng hợp được gọi là beta-agonist (β-agonist). Vì các chất β-agonist có thể làm tăng tỷ lệ cơ bắp nên chúng được sử dụng như là một chất kích thích tăng trưởng để tăng phần nạc của vật nuôi, và do đó thường được gọi là tác nhân tạo nạc. Những người ăn thịt có chứa tồn dư clenbuterol có thể gặp các triệu chứng bao gồm nhịp tim nhanh, chóng mặt, nhức đầu, run, căng thẳng, và thậm chí có thể gây chết người nếu có nồng độ clenbuterol cao.   

Ngoài  ra các cá, thủy, hải sản khác là những món ăn giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, nhưng sau khi các thực phẩm này bị người bán hàng phù phép, chúng trở nên độc hại vô cùng với cơ thể. Khi các loại này bị bị tẩm ướp urê, chất tẩy javel và bơm các loại tạp chất thì không còn nguyên chất nữa và có thể gây ngộ độc.

Tất cả cá, tôm, mực… sau khi trải qua giai đoạn tẩm ướp bằng các loại hóa chất như thuốc tẩy, đạm urê, sẽ có màu trắng, tươi ngon,. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như gây nên các bệnh đường tiêu hóa, hệ thần kinh, phát triển trí tuệ trẻ em

Để nhận biết các loại hải sản chứa hóa chất như tôm bị ngậm urê hay hóa chất thông qua cơ chế trương nước tạo nên sự "quá tải" đối với cơ thể và lớp vỏ bọc của chúng. Đó là tôm sẽ căng vỏ, các đốt nối giữa vỏ bị giãn ra, long đầu, gai tôm vểnh, xòe đuôi, kèm theo đó mày sắc nhợt nhạt. Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu, dưới mang...
 
Theo các chuyên gia để tránh mua phải hải sản ngâm hóa chất, khi chọn hải sản người mua nên kiểm tra kỹ. Nên mua đồ còn sống, bằng không cần chọn những cửa hàng có uy tín, xuất xứ sản phẩm rõ ràng. Khi chế biến hải sản nếu thấy mùi khai, có vị khó chịu thì không nên ăn.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm công bố kết khảo sát về hàm lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở một số loại rau lá xanh như: rau muống, rau ngót, rau mùng tơi...khiến dư luận không khỏi lo lắng, khi tồn dư hóa chất ở các loại rau này đều vượt ngưỡng cho phép.

Trong số 120 mẫu rau được lấy tại 150 quầy kinh doanh tại 6 chợ ở Hà Nội, có đến 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran vượt giới hạn cho phép (chiếm 10,83%); 12/120 mẫu (10%) có tồn dư hóa chất Cypermethrin. Có 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên (chiếm 7,5%).

Ngoài ra, trong số 40 mẫu có tồn dư thuốc BVTV, có 38 mẫu là rau sản xuất tại Hà Nội, 2 mẫu là rau sản xuất tại tỉnh khác. Trong đó, 14/40 là rau muống; 21/40 là rau ngót và 5/40 mẫu rau mồng tơi có tồn dư thuốc BVTV. Kết quả nghiên cứu này được công bố tại Hội thảo khoa học về y tế dự phòng tổ chức tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư.


Chia sẻ