Mỡ động vật thối có thể gây ung thư gan

,
Chia sẻ

Nếu sử dụng mỡ để lâu ngày, mỡ đun đi đun lại hoặc bị ôxy hoá biến chất (mỡ thối) sẽ có khả năng gây ung thư gan hoặc nhiều bộ phận khác trong đường tiêu hoá.

Nguy hại từ mỡ thối, mỡ rán nhiều lần

Liên quan đến vụ việc lực lượng chức năng bắt giữ hàng chục tấn mỡ thối, nghi là dùng làm nhân bánh Trung thu ở Hà Nội, bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, nếu đưa vào cơ thể, mỡ động vật thối sẽ gây nên tình trạng ngộ độc cấp do ôxy hoá biến chất.
 
Axít mỡ ở trong mỡ bị phân giải ôxy hoá, các vi khuẩn độc sinh sôi và nảy nở nhanh chóng gây nên tình trạng trúng độc: Tim đập nhanh, tức thở, nôn mửa, tiêu chảy, trụy mạch cấp... nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Về lâu dài, mỡ động vật thối có thể gây nên các bệnh trong hệ thống tiêu hoá và nguy hiểm nhất là có khả năng gây ung thư gan.

Hiện vẫn còn nhiều người nội trợ do tiết kiệm đã thường xuyên chắt cả cặn mỡ lợn sau khi rán cho vào lọ dùng dần. Hành động này rất bất lợi cho sức khoẻ vì khi rán mỡ, nhiệt độ trong chảo mỡ rất cao khiến những vật hữu cơ bị nhiệt phân giải thành những chất benzen (chất được coi là một trong những chất gây ung thư lớn nhất). Thời gian rán mỡ càng dài, hàm lượng này càng cao. Nếu ăn nhiều sẽ gây nên các chứng bệnh ung thư thực quản và ung thư dạ dày.
 
Bác sĩ Nguyễn Trọng An khuyên, không nên sử dụng mỡ rán đi rán lại nhiều lần hoặc mỡ để lâu ngày vì: Chất cholesterol bình thường không gây nên xơ cứng vữa động mạch, nhưng nếu chất này bị axít hoá (thường có trong mỡ để lâu ngày) lại chính là nguyên nhân của căn bệnh xơ cứng vữa động mạch. Về lâu dài có thể gây các bệnh về ung thư trong hệ thống tiêu hoá.
 
Sử dụng mỡ rán đi rán lại nhiều lần không tốt cho sức khỏe. (Ảnh: TL)
 
Không nên quá “kiêng” mỡ
 
Tại TT khám dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong thực đơn hàng ngày kê cho bệnh nhân, bác sĩ thường nhấn mạnh khẩu phần ăn phải có cả dầu và mỡ động vật. Thạc sĩ Phan Bích Nga, Phó Giám đốc Trung tâm khám dinh dưỡng cho biết: Trong mỡ có nhiều chất cholesterol cần thiết cho cấu trúc tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh mà trong dầu thực vật không có hoặc có rất ít. Vì vậy phải kết hợp sử dụng mỡ cùng với việc dùng dầu ăn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
 
Ngoài ra, axít béo no trong mỡ nếu được sử dụng ở mức độ hợp lý có tác dụng làm vững các mao mạch, bảo vệ tuần hoàn của cơ thể, dự phòng xuất huyết não. Nếu chỉ dùng dầu ăn mà không dùng mỡ thì chức năng này trong cơ thể sẽ bị suy yếu.
 
Theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng chất béo trong khẩu phần của người dân hiện nay thường thấp hơn nhiều so với nhiều nước ở miền ôn đới. Do đó, người dân cần nâng cao lượng chất béo lên trên 15- 20% nhiệt lượng của khẩu phần ăn đối với người lớn và 20- 25% đối với trẻ em.
 
Riêng với người cao tuổi, nên giảm bớt lượng chất béo động vật và thay thế bằng chất béo thực vật như: Dầu lạc, dầu đậu tương hoặc dầu cá vì dầu thực vật và dầu cá đều chứa nhiều axít béo chưa no cần thiết, giúp cho việc phòng chống và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch và xơ vữa động mạch.
 
Với trẻ em béo phì, chỉ nên hạn chế dầu và mỡ động vật trong bữa ăn chứ không phải loại bỏ hoàn toàn dầu, mỡ động vật vì dầu, mỡ động vật ngoài cung cấp năng lượng còn là dung môi hoà tan các loại vitamin tan trong dầu như: Vitamin A (giúp phòng bệnh khô mắt, giúp trẻ phát triển thể lực); vitamin D (chống bệnh còi xương); vitamin K, vitamin E...
 
Với những trẻ béo phì nhỏ dưới 2 tuổi vẫn có thể cho 1/2 - 1 thìa dầu hoặc mỡ động vật vào bát cháo của trẻ. Với những người bình thường, chế độ ăn hợp lý nên có 1/3 chất béo trong khẩu phần ăn có nguồn gốc từ thịt mỡ, thịt nạc, bơ, mỡ.
 
Theo Gia đình
 
Chia sẻ