Loét dạ dày vì tức chồng

Thuận An,
Chia sẻ

Biết ông xã đăng ký học thạc sĩ 3 năm, học tối nên về muộn sau 9h, trong khi cậu con 2 tuổi bám mẹ như keo, nhà lại không có người giúp việc, chị Loan stress khi hình dung cảnh "đánh vật" với con suốt mấy năm trời.

Bàn với chồng lùi học không được, chị cãi nhau với anh và đêm đó đau bụng dữ dội.

Hai ngày đau bụng thành cơn, chị Loan đi khám, được bác sĩ ở một phòng khám tư tại Hà Nội chẩn đoán có vết loét dạ dày nhẹ, nguyên nhân do quá căng thẳng.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thắng, thầy thuốc ưu tú, phó giám đốc Bệnh viện Nông nghiệp (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết viêm loét dạ dày do căng thẳng như chị Loan không phải hiếm gặp. Bình thường hầu như ngày nào ông cũng gặp bệnh nhân như vậy. Có bệnh nhân lên cơn đau bụng chỉ sau một đêm cãi nhau với chồng, hoặc sau một biến cố khiến họ vô cùng tức giận...
 
Ảnh minh họa

Viêm loét dạ dày, tá tràng thường biểu hiện gồm: đau thượng vị, chướng bụng đầy hơi, cảm giác ậm ạch, có buồn nôn hoặc không, có ợ chua hoặc không, có thể kèm hoặc không kèm với rối loạn tiêu hóa.

Tuy nhiên, có những trường hợp chỉ là các cơn đau bụng cơ năng, tự hết sau 1-2 ngày. Khi đó nếu đi khám sẽ có thể chẩn đoán nhầm, gây tốn kém. Chị Như Mai, ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy là một ví dụ. Chị lên cơn đau bụng đột ngột sau hai ngày lo lắng cao độ chuẩn bị cho một bản báo cáo kế hoạch đồ sộ trước các sếp Nhật bằng tiếng Anh. Chị đi khám, chụp X quang, được bác sĩ chẩn đoán loét dạ dày, nhưng về nhà chưa kịp uống thuốc thì cơn đau đã biến mất, trùng với thời điểm chị báo cáo công việc xong xuôi.

Do vậy theo bác sĩ Thắng, nếu thấy một số biểu hiện đau, chướng bụng, đầy hơi... như trên, bệnh nhân chưa cần đi khám ngay, mà trước hết thử điều chỉnh trạng thái tâm lý (giảm stress), điều chỉnh chế độ ăn (giảm chua, giảm cay), nếu 1-2 tuần sau vẫn tiếp tục có các triệu chứng đó mới cần đi khám.

"Trong các nhóm bệnh tiêu hóa, sau ung thư dạ dày thì viêm loét dạ dày đứng thứ hai về mức độ trầm trọng. Bệnh tập trung ở nhóm người từ 30 đến trên 50 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Hiện nay đã có những trẻ rất nhỏ, chỉ 8 tuổi, đã mắc bệnh", Tiến sĩ Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Nông nghiệp.

Bác sĩ Thắng cũng nêu cách phân biệt đau bụng do stress với các kiểu đau khác là: đau do stress thường xuất hiện đột ngột (có người có thể bị chảy máu dạ dày ngay), thường đi kèm với tư tưởng không ổn định, thần kinh căng thẳng, không bình tĩnh, nói năng bất thường, cáu gắt (hoặc trầm uất).

Ngoài nguyên nhân stress, viêm loét dạ dày thường gặp nhất là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P). Theo điều tra của Bệnh viện Nông nghiệp tại ngoại thành Hà Nội và Hà Tây, có đến trên 70% các ca viêm dạ dày có nhiễm H.P và trên 80% các ca loét có mặt vi khuẩn này.

Tuy nhiên, qua nội soi bác sĩ cũng phát hiện rất nhiều ca viêm loét dạ dày tá tràng mà bệnh nhân không có biểu hiện gì, còn được gọi là "loét câm". Chính vì vậy, theo bác sĩ Thắng, khi có đau bất thường, để phát hiện bệnh chính xác nhất, bệnh nhân nên làm nội soi để biết có vết loét hay không, tổn thương cụ thể ra sao, do vi khuẩn H.P gây ra hay do những nguyên nhân khác... Trong trường hợp không nội soi được, bệnh nhân cần được gây mê để nội soi.

Người viêm loét dạ dày tá tràng cũng không nên tự ý dùng thuốc. Thống kê sơ bộ tại Bệnh viện Nông nghiệp cho thấy, có đến 30% bệnh nhân đến khám tiêu hóa từng có ít nhất một lần tự dùng thuốc. Điều này theo bác sĩ Thắng là rất nguy hiểm, bởi sẽ khiến vi khuẩn nhờn thuốc (càng về sau càng phải dùng thuốc mạnh hơn), làm tăng tác dụng phụ, gây ngộ độc hoặc dị ứng thuốc...

Kể cả khi được coi là chữa khỏi, bệnh nhân vẫn nên đến bác sĩ khám và nội soi lại 6 tháng một lần.
 
Theo Thuận An
Vnexpress
Chia sẻ