Lọc không khí trong nhà bằng… cây

,
Chia sẻ

Ngoài tác dụng trang trí, một số loại cây cảnh còn có tác dụng lọc không khí, hấp thụ chất ô nhiễm trong môi trường sống…

Theo các chuyên gia, hiểu đúng về tác dụng của từng loại cây quanh ta, có thể tự làm sạch được không khí trong nhà, lọc được độc chất, làm sạch không khí.

Cây giải trừ ô nhiễm môi trường sống

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQGHN cho biết, trong nhà ở có nhiều sản phẩm công nghiệp, nhiều chất hữu cơ bay hơi có thể đầu độc khí thở. Các chất này thoát ra từ các vật liệu như cao su, chất dẻo, vecni, xăng dầu, chất tẩy rửa, khói thuốc lá, hơi bếp gas, các loại giấy mực... Các chất tiêu biểu là formaldehyd, trichloethylen, benzen, toluen.

TS William Wolverton (Mỹ) đã nghiên cứu trên những loại cây dùng làm cảnh trong các phòng làm việc và nhà ở. Mỗi loài cây có khả năng hấp thu được một số hóa chất gây ô nhiễm. Sau 24 giờ trong điều kiện luôn luôn có ánh sáng, một cây lô hội khử được đến 90% formaldehyd trong 1m3 không khí.

Cây đa búp đỏ có thể hút độc tố formaldehyd.
 
 
Cũng trong điều kiện đó dây thường xuân hấp thu 90% và cây bồng bồng hấp thu 79% benzen. Ông ước tính cứ 9m2 mặt bằng trong nhà cần có một cây xanh để duy trì chất lượng không khí có lợi cho sức khoẻ.

Theo TS Đặng Văn Hạnh, chuyên gia cây cảnh, Viện Công nghệ Sinh học, cho dù chưa có một công trình nghiên cứu thực sự nào ở Việt Nam về các loài cây hút khí độc, nhưng trong thực tế có nhiều loại cây có triển vọng sử dụng hiệu quả trong việc thanh lọc không khí như lô hội, dây thường xuân, vạn niên thanh, cây đuôi hổ, bồng bồng, ráy thơm, sung, đa, trúc nhật hay thiết mộc lan...

Chuyển độc chất xuống rễ cây

Theo các chuyên gia, cây làm sạch không khí bằng hai cách là hấp thụ chất ô nhiễm vào lá rồi chuyển xuống rễ, rễ tổng hợp chất ô nhiễm làm thức ăn cho cây hoặc cây nhả hơi nước như một cái bơm hút không khí bẩn xuống rễ. Chúng là những cây dễ trồng, không cần nhiều công chăm sóc, có nhiều lá và hấp thụ lượng chất độc lớn.

TS Đặng Văn Đông, bộ  môn Hoa và Cây cảnh, Viện Nghiên cứu Rau quả cho rằng, hầu hết các loại cây xanh là có khả  năng lọc không khí, một số cây còn tạo ra mùi hương để đuổi ruồi muỗi như cây ngũ gia bì. Cây lô hội cũng đã được nghiên cứu nhiều để làm thuốc... Cây đa búp đỏ hút độc tố formaldehyd, cây này để trong hiên ngoài nắng đều được.
 
Một cây lô hội khử được đến 90% formaldehyd trong 1m3 không khí
 


Cau bụi hút được Xylene, loại được formaldehyd, thích hợp đặc biệt với phòng có thảm mới hoặc đồ gỗ mới đánh vec ni. Cây mẫu tử loại bỏ các khí độc như carbon monoxide, đặt ở trong bếp gần lò sưởi, bình gas nơi có khí carbon monoxide tích tụ. Xương rồng lý tưởng trong việc loại trừ tác hại của sóng điện từ ở màn hình ti vi hoặc máy tính. Với một phòng 75m² chỉ cần 4 lá của 1 cây lưỡi hổ là đủ giữ cho căn phòng hết ô nhiễm.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Lý, giám đốc Trung tâm Hoa và Cây cảnh, Viện Di truyền Nông nghiệp, đa số các loài cây nói trên sống trong môi trường nhiệt đới hoặc là cận nhiệt đới. Tuy nhiên, chúng có khả năng phát triển trong môi trường ít ánh sáng.

 Bởi vậy, các loài cây này rất thích hợp khi được dùng làm cây trang trí trong nhà. Cây cảnh đặt trong nhà cần được chăm sóc hằng ngày, tưới nước và cho ra nắng khoảng vài ngày một lần. Có thể dùng 2 chậu cây cùng một loại thay đổi chỗ cho nhau, một cây để ngoài nắng và một cây trong phòng, luân phiên thay đổi chỗ để đảm bảo cây có đủ ánh nắng mặt trời. Ngoài ra thỉnh thoảng có thể bón phân để đảm bảo sức khỏe cho cây.

Danh sách các loài thực vật lọc khí độc

Thường xuân Anh quốc, Lục trảo trổ, Ráy leo lá xẻ, Bạch diệp,Vạn niên thanh, Cau tre, Lưỡi cọp sọc hoặc lưỡi cọp mép lá vàng, Ái mộc lá hình tim, Ái mộc Selloum, Ái mộc tai voi, Huyết giác Madagascar, Thiết mộc lan, Phất dụ Janet Craig, Phất dụ to, Sanh, Cúc đồng tiền, Cúc hoa trắng, Đa cao su,  Cốt cắn Boston, Cốt cắn nữ hoàng Kimberly, Chà là cảnh, Cau vàng, Hoàng thảo, Hồ điệp.

(Theo  Wikipedia)

 
Theo Tô Hội
Bee
Chia sẻ