Lá mãng cầu xiêm có chữa hết ung thư?
Gần đây rất nhiều thông tin lan truyền về việc một số loại lá cây có khả năng chữa được bệnh ung thư (UT) như: lá mãng cầu, lá đu đủ, xáo tam phân, xạ đen...
Theo các thầy thuốc: không thể chỉ dùng lá mãng cầu xiêm mà chữa ung thư thành công.
Gần đây rất nhiều thông tin lan truyền về việc một số loại lá cây có khả năng chữa được bệnh ung thư (UT) như: lá mãng cầu, lá đu đủ, xáo tam phân, xạ đen... Thậm chí, tại Hậu Giang vừa xảy ra tình trạng thu gom lá mãng cầu xiêm.
Trước những thông tin đồn thổi, BS Trần Văn Năm, nguyên Viện phó Viện Y học dân tộc TPHCM đã chia sẻ: mãng cầu xiêm tên khoa học là Annona muricata L. Họ Na (Annoaceae), tên tiếng Anh là soursop. Trong y dược cổ truyền, lá mãng cầu được dùng để chữa bệnh sốt rét hoặc ho do một số bệnh ở phế quản, phổi gây nên; quả mãng cầu dùng chữa bệnh đường ruột.
Lá mãng cầu xiêm có tác dụng chữa bệnh sốt rét, ho... tuy nhiên, chỉ loại lá này thì không thể chữa khỏi ung thư
Theo một số tài liệu nghiên cứu của nước ngoài những năm gần đây, trong lá của một số cây thuộc họ Na (trong đó gồm mãng cầu xiêm) có chứa hợp chất acetogenin. Hợp chất này có nhiều tính chất dược lý quan trọng như: chữa UT, chữa sốt rét, diệt ký sinh trùng,…
Một số tài liệu nước ngoài thông báo kết quả rằng acetogenin có thể kháng tế bào UT trên động vật thí nghiệm, tuy nhiên, chưa có bất cứ đề tài nào thông báo acetogenin có thể trị UT trên người. Những nghiên cứu về việc dùng lá đu đủ (hay các loại lá khác) để điều trị bệnh ung thư, nếu có thì các thử nghiệm vẫn chỉ dừng lại trên động vật thí nghiệm, chưa có giá trị thực nghiệm trên người.
UT vốn là căn bệnh khó điều trị, nếu can thiệp muộn, khả năng tử vong cao. Đến thời điểm này, với những tiến bộ y học, vẫn cần phải có liệu pháp tổng hợp cả Đông - Tây y mới hy vọng khống chế được bệnh UT. Không thể chỉ dùng lá mãng cầu, xáo tam phân, lá đu đủ, hay xạ đen… mà khống chế được căn bệnh này.
Thậm chí trong Tây y, các bác sĩ cũng cần phải áp dụng rất nhiều phương pháp khoa học hiện đại như: phẫu trị, hóa trị, xạ trị để kéo dài sự sống cho bệnh nhân UT.
Vì vậy, không thể dùng một loại lá hay một phương thuốc để điều trị bệnh UT. Càng không nên tự ý sử dụng mà không có ý kiến của thầy thuốc. Bởi, tùy theo loại bệnh, tùy cơ địa người bệnh, thầy thuốc sẽ điều chỉnh liều dùng, đồng thời có những tiên liệu và phòng tránh khả năng tương tác thuốc.