Khi da bị bỏng nắng

,
Chia sẻ

Mùa hè, khi ánh nắng mặt trời nhiều là lúc hay gặp các thể bệnh do ánh nắng mặt trời. Một thể bệnh phổ biến nhất là bỏng nắng.

Bỏng nắng (sunburn) là một tình trạng mẫn cảm ánh nắng (photosensitivity). Sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 2 - 6 giờ thì tổn thương da xuất hiện. Thời gian hay gây bỏng nắng là khoảng giữa trưa từ 11 - 13 giờ, khoảng thời gian mà nồng độ tia cực tím tập trung cao.

Sau khi đi nắng về hoặc làm việc ngoài môi trường ánh nắng, bệnh nhân thấy da các vùng hở như mặt, tam giác cổ áo, mu tay, cẳng tay có cảm giác bị rát, nóng hoặc châm chích, đôi khi có thể hơi ngứa. Sau đó da các vùng này bị đỏ lên, lúc đầu đỏ nhạt sau mức độ đỏ cứ tăng dần. Có thể sưng nề và có cảm giác bị căng cứng vùng da đó. Độ vài giờ đồng hồ da bớt đỏ, bớt căng, rát. Sau 1- 3 ngày da đỡ đỏ rồi trở nên thẫm màu và bong vảy nhẹ. Vảy nhỏ như phấn, cám và có thể bong vài lần mới dừng. Nền da phía dưới vẫn còn hồng nhạt hoặc có thể có màu nâu nhạt kiểu như rám nắng.

Điều trị bỏng nắng cần bôi kem chống nắng ban ngày, bôi trước khi ra nắng 15 phút và bôi nhắc lại cứ mỗi 2 giờ/1 lần nếu vẫn tiếp tục phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Thời gian bắt buộc phải bôi là từ 9 - 14 giờ. Nếu da đỏ nhẹ thì có thể bôi thêm hồ nước buổi tối. Da đỏ nhiều thì bôi một trong các chế phẩm có chứa corticoide hoạt phổ nhẹ như: eumovate, elomet, fucicort, fobancort... Bôi ngày 2 lần trong 5 - 7 ngày.

Nếu có ngứa hoặc rát kèm theo thì uống một trong các thuốc kháng histamin như: chlorpheniramin, phenergan, loratadin... Uống sau ăn tối trong 5 ngày. Nếu tình trạng bong vảy phấn, vảy cám kéo dài thì bôi các thuốc tái tạo da như kem vitamin E. Nếu da bị thâm nhiều thì bôi các chế phẩm làm nhạt màu các vết thâm co chứa hydroquinon từ 2-4%.

Theo SK&ĐS

Chia sẻ