Hồi sinh nhờ kỹ thuật hỗ trợ tim phổi nhân tạo tại giường
Ngày 24/3, bệnh viện Bạch Mai tổ chức lễ tiễn ra viện bệnh nhân viêm phổi nặng bị suy hấp cấp tiến triển, nguy cơ tử vong cao đã được cứu sống bằng kỹ thuật hỗ trợ tim phổi nhân tạo tại giường (Ecmo).
Thoát chết nhờ tim phổi nhân tạo
Trước đó, bệnh nhân Đỗ Thị Lượng nữ 57 tuổi (Hà Nội) có tiền sử đái tháo đường, giảm tiểu cầu vô căn, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch kéo dài. Ngày 10/2, bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao, suy hô hấp được chuyển đến BV Bạch Mai. Theo chẩn đoán ban đầu cho thấy bệnh nhân mắc viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, không thể đáp ứng với các phương pháp điều trị tích cực thông thường, có nguy cơ tử vong cao.
Trước thể trạng của bệnh nhân, Ban lãnh đạo Khoa đã chỉ đạo xin ý kiến hội chẩn nhiều chuyên khoa trong bệnh viện Bạch Mai như Hô hấp, Truyền nhiễm, Chẩn đoán hình ảnh, Vi sinh lâm sang, Dược Lâm sàng, Huyết học, Nội tiết Đái tháo đường và cả Khoa Sinh Hóa… thống nhất làm kĩ thuật hỗ trợ tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) thay thế tim phổi trong thời gian chờ sửa chữa, điều trị nguyên nhân.
PGS. TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, khi vào khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng không đáp ứng với các biện pháp thở oxy, thở máy, chỉ số oxy máu của bệnh nhân là 45 (bình thường > 400) với oxy tối đa. Bệnh nhân không đáp ứng với thở máy. Sau đó bệnh diễn biến nặng với biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Ngay trước lúc làm ECMO, khó khăn lớn nhất là nhiều lúc oxy bệnh nhân xuống rất thấp < 10% nên các bác sĩ phải túc trực thường xuyên bên bệnh nhân để điều chỉnh các thông số và các biện pháp tốt nhất của thở máy để cầm cự cho đến khi hệ thống ECMO hoạt động. Trong thời gian làm ECMO, các nhân viên khoa Hồi sức tích cực phải theo dõi, ghi chép, điều chỉnh liên lục từng giờ. Bên cạnh đó bệnh nhân còn được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tiên tiến khác như lọc máu liên tục hấp phụ (OXIRIS) độc tố. Trong 2 ngày đầu, oxy vẫn thấp mặc dù máy tim phổi hoạt động với oxy tối đa. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Dinh dưỡng tĩnh mạch kết hợp với đường tiêu hóa. Theo dõi các chỉ số HA, mạch, nước tiểu, các diễn biến và biến chứng từng phút từng giờ… Sau 1 tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân tiến triển thuận lợi, bệnh nhân đã cai dần được và ngừng ECMO, chuyển về thở máy như bình thường, sau đó là cai thở máy.
Trước đó, anh Trần Văn Đ (Hải Hậu, Nam Định) cũng thoát khỏi án “tử” nhờ kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường. Ngày 18/2, anh vào khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, được chẩn đoán phù phổi cấp - suy thận mạn giai đoạn cuối. Các bác sỹ đã tiến hành đặt nội khí quản, thở máy và lọc máu nhưng tình trạng không cải thiện Bệnh nhân suy hô hấp nặng lên, Xquang phổi có hình ảnh tổn thương nặng. Sau 5 ngày không cải thiện, anh Đ được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng suy hô hấp nặng do viêm phổi, biến chứng suy đa tạng. Bệnh nhân tiếp tục được thở máy với oxy 100% nhưng chỉ số PaO2 làm 79 (bình thường > 400 mmHg), ứ khí CO2 trong máu. Điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực như thở máy, gây mê để bệnh nhân nằm yên, lọc máu hấp phụ độc tố không có kết quả.
Vì thế, khoa đã điều trị hỗ trợ các tạng suy bằng tim phổi nhân tạo. Làm tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) để thay thế tim phổi - đảm nhận chức năng như một hệ tuần hoàn ngoài cơ thể để hỗ trợ toàn bộ chức năng tim phổi trong suốt một tháng liền. Nhờ đó, đến nay, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, có thể tự đi lại, ăn uống bình thường. Bệnh nhân đã được chuyển sang BV 103 điều trị chờ ghép thận.
Đối với những gia đình có người thân không may bị viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp như hai trường hợp trên thì ECMO chính là biện pháp cuối cùng, là “cánh cửa” hi vọng giúp họ trở về từ tử thần. Sau 1 tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân tiến triển thuận lợi, bệnh nhân đã cai dần được và ngừng ECMO, chuyển về thở máy như bình thường. Cuối cùng cai thở máy.
Giảm 70% tỷ lệ tử vong
PGS. TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, ECMO là kỹ thuật phức tạp, cần 1 ekip bác sĩ hết sức chuyên nghiệp để vận hành. ECMO được áp dụng trong hai tình huống: Thứ nhất là trong các bệnh lý của phổi mà khi đã được tiến hành các biện pháp hồi sức hô hấp tích cực như thở ôxy, thở máy mà lượng ôxy máu vẫn thiếu (ví dụ như trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, suy hô hấp nặng do viêm phổi...). Thứ hai là trong các bệnh lý của tim khiến tim bị suy giảm sức co bóp, huyết áp tụt không nâng lên được bằng truyền dịch và dùng thuốc co mạch cũng như thuốc làm tăng co bóp cơ tim (như trong viêm cơ tim cấp, sau cấp cứu ngừng tim, suy tim sau phẫu thuật tim...).
“Trước đây khi không có ECMO bệnh nhân viêm phổi nặng, suy tim nặng kèm theo suy đa tạng như trên, cơ hội cứu sống rất thấp. Từ năm 2012, khi ứng dụng ECMO tại Khoa Hồi sức tích cực, tỷ lệ tử vong đã giảm 70%. Các quốc gia trên thế giới áp dụng nhiều kỹ thuật này bao gồm Mỹ, Úc, Đức, Đài Loan, Nhật Bản… Mặc dù là một phương pháp điều trị hiệu quả nhưng ECMO chỉ nên chỉ định trên các bệnh nhân phù hợp và thực hiện tại các trung tâm đầy đủ trang thiết bị và kinh nghiệm” – PGS.TS Bình cho hay.
ECMO là tên viết tắt của phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể” (Extracorporeal Membrane Oxygenation). Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim hoặc phổi được nghỉ ngơi và hồi phục, giảm được chấn thương áp lực và ngộ độc oxy ở phổi. |