Hai bé sinh non ở tuần 24 được chăm nuôi tỉ mẩn ra sao?
Chiều 10/3, cặp song sinh tý hon sinh non ở tuần thứ 24 với cân nặng rất thấp được nuôi sống tại BV Phụ sản Trung ương đã được xuất viện về nhà. Đằng sau việc nuôi lớn hai cháu là một kỳ tích.
Chăm sóc tỉ mỉ, công phu
Cặp song sinh sinh non được cứu sống kỳ diệu là con của sản phụ Hồ Thị Hải Yến, 29 tuổi (Thái Bình). Đây là lần sinh con thứ 2 của sản phụ. Trước đây, sản phụ đã sinh con bằng phương pháp bơm tinh trùng của chồng vào tử cung.
Việc đặt phôi lần sinh nở thứ 2 được tiến hành vào ngày 3/7/2014. Đến ngày 25/11/2014, sản phụ có dấu hiệu đau bụng nên phải nhập viện. Ngày 5/12/2014, ở tuần thứ 24 của thai kỳ, sản phụ vỡ ối và sinh thường song thai 1 trai, 1 gái. Một bé gái nặng 500 gram, một bé trai nặng 600 gram.
Sau khi được sinh ở khoa Sản, hai bé Giang Thiên Ân và Giang Thiên Bảo lập tức được chuyển ngay vào Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (BV Phụ sản TƯ). Tại trung tâm, hai cháu được chăm sóc với một chế độ vô cùng đặc biệt để có thể tự thích ứng với môi trường ngoài bụng mẹ đầy bất trắc.
Từ khi lọt lòng mẹ, thể trạng của hai bé Thiên Ân và Thiên Bảo đều yếu, da tím tái, tự thở rất kém. Hai bé nhanh chóng được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở. Ngoài ra, để trợ giúp phát triển phổi, các bác sĩ đã quyết định điều trị sớm bằng cho các bé bằng thuốc Curosurf (loại surfactant tự nhiên giúp ổn định thể tích phổi). Để tránh nhiễm khuẩn các bé cũng được chỉ định dùng kháng sinh dự phòng và giám sát chặt chẽ tình trạng hô hấp, tim mạch, các chỉ số trong máu và nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn trong 2 ngày đầu. Đến ngày thứ 3, trẻ được kết hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch với nuôi ăn qua đường miệng bằng truyền sữa mẹ bằng máy vào dạ dày, tá tràng cho trẻ. Đến ngày thứ 17, nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đạt tốc độ 180ml/ 1kg cân nặng trong 24 giờ bằng xông máy qua dạ dày. Tiếp tục giám sát tốt việc chống nhiễm khuẩn.
Đằng sau việc nuôi lớn hai cháu là một kỳ tích. Ảnh: Gia Hân
“Trong suốt 93 ngày điều trị, chúng tôi chỉ cho bé thở nội khí quản 4 ngày và rút ra cho bé thở qua đường mũi trong vòng 9 ngày. Sau đó, tiếp tục cho hai cháu thở oxi ngắt quãng trong vòng 25-30 ngày, 50 ngày còn lại trẻ hoàn toàn không thở oxi tức thở khí trời như chúng ta đang sinh sống. Việc điều trị và chăm sóc được điều chỉnh từng giờ, nhưng với các cháu phải ra đời ở 29 tuần tuổi thai thì không ai dám chắc rằng ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì. Có thể nói, tất cả phác đồ điều trị đều phải kịp thời và chính xác, không thể thiếu, nhưng cũng không thể thừa một chút nào” - BS. Nguyễn Ngọc Lợi - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sinh non BV Phụ sản Trung ương, cho hay.
Điều trị đúng và kịp thời là điều quan trọng nhất, nhưng với các cháu sinh thiếu tháng, khâu chăm sóc cũng đóng góp phần tiên quyết trong quá trình điều trị và nuôi dưỡng các bé. Riêng việc tập ăn cho hai bé cũng đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ. Theo các bác sỹ tại Trung tâm, ngày đầu cháu được ăn 1ml sữa mẹ bơm vào đường miệng phải mất 3 tiếng đồng hồ mới hết. Một ngày các bé được ăn 8 lần. Hai bé vừa được cho ăn vừa được theo dõi sát sao phản ứng của cơ thể. Sau 3 ngày mới nhích lên được 2ml sữa rồi tăng dần. Đến thời điểm xuất viện, cháu đã tự thở được và bú được 60 ml sữa. 93 ngày chăm sóc các cháu, các y bác sĩ, điều dưỡng đã phải túc trực 24/24 giờ.
“Điều ngạc nhiên là chỉ 11 ngày sau sinh, 2 cháu đã tăng cân. Đây có thể coi là kỳ tích bởi trên thế giới, quy chuẩn tăng cân đối với nhóm trẻ dưới 1kg là trong vòng 17, 18 ngày sau sinh. Trường hợp các bé chưa tiêu hóa được, việc tập ăn ngay lập tức phải dừng lại, để khi có điều kiện sẽ tập lại từ đầu. Dù rất mong các bé biết ăn sớm và hệ tiêu hóa nhanh được vận hành. Nhưng việc này tuyệt đối không thể vội vàng” – BS Lợi nói.
Một điều đặc biệt nữa phải kể đến trong quá trình điều trị cho hai bé đó là việc đảm bảo cho các bé thở oxi với nồng độ siêu thấp. Giám sát nồng độ oxi càng thấp càng tốt, thấp gần với khí trời bao nhiêu thì nó an toàn cho mắt, não và các bộ phận khác. Bởi vậy các bác sỹ phải theo dõi sát sao 24/24 giờ. BS Lợi nhấn mạnh, quá trình điều trị trẻ sinh non không phải tính bằng phút mà việc chăm sóc bé phải tính bằng giây. Nếu đứa trẻ ngừng thở trên 18 giây cần phải thực hiện cấp cứu ngay, trên 20 giây thì khả năng cấp cứu mang lại hiệu quả thấp. Cơn ngừng thở ở trẻ sơ sinh bình thường đã có, với trẻ sinh non luôn luôn diễn ra vì bé chưa phải là ngày chào đời nên chưa thể thích nghi. Chúng ta chỉ có 18 giây để quyết định cuộc đời.
Sau hơn 3 tháng được nuôi dưỡng và điều trị tại Trung tâm, cặp song sinh đã tăng cân tốt, các chỉ số về thính lực, thị lực, hô hấp đều phát triển ổn định. Đến ngày 10/3, một cháu được hơn 2,2 kg và một cháu được hơn 2,3 kg với tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường, có thể tự bú và được xuất viện về nhà. Đến thời điểm xuất viện, hai bé được 37 tuần tương đương với tuổi thai. Từ những cháu bé “tí hon”, chiều dài chỉ hơn chiếc bơm tiêm với sự chăm sóc đặc biệt giờ hai cháu phát triển tốt với cân nặng tương với những đứa trẻ được nuôi trong bụng mẹ.
Cặp song sinh sinh non được cứu sống kỳ diệu. Ảnh: Gia Hân
Hạnh phúc vỡ òa
Chia sẻ niềm hạnh phúc khi đón 2 bé song sinh kháu khỉnh về nhà, sản phụ Hải Yến cho biết, tôi sinh hai cháu trong tâm trạng vô cùng hoang mang. Khi nhìn hai cháu sinh ra cân nặng thấp và yếu ớt, gia đình đã phải chuẩn bị sẵn tư tưởng cho trường hợp xấu nhất. Thế nhưng, phép màu đã xảy ra với gia đình chúng tôi. Chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi được ôm con trong tay. Cảm nhận được hơi thở yếu ớt của con mà lòng ngập tràn hạnh phúc. Đó là tất cả những gì chúng tôi mong chờ. Không biết nói gì hơn, chúng tôi vô cùng cảm ơn những người thầy thuốc, các y, bác sĩ khoa chăm sóc và điều trị sơ sinh của BV Phụ sản Trung ương chính là những người đã tái sinh ra hai con chúng tôi.
Tại buổi họp báo, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong những nước có tỷ lệ trẻ sinh non cao và có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sinh non như do tử cung người mẹ bé, u xơ tử cung, viêm nhiễm trong quá trình mang thai, vấn đề tâm lý... Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có trường hợp song thai nào tại Việt Nam với cân nặng 500 gram, 600 gram và tuổi thai thấp (24 tuần, tương đương 6 tháng tuổi thai) được cứu sống. Đây là tín hiệu mừng không chỉ minh chứng cho thấy sự phát triển của nền y học nước nhà mà còn góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non.
Thứ trưởng cũng khuyến nghị, phụ nữ mang thai cần luôn đề phòng nguy cơ sinh non. Những trường hợp có nguy cơ sinh non rồi thì cũng cần đến với các trung tâm sơ sinh để dùng thuốc dự phòng sinh non hoặc nếu có sinh non sẽ dễ hồi sức hơn.
Việc chăm sóc trẻ sinh non nhẹ cân cần rất nhiều kĩ thuật đan xen xâu chuỗi lại, không tách rời riêng được cái nào. Ngay khi sinh các bé cần được hồi sức tốt ngay từ những giây đầu tiên. Nếu bỏ qua ngay những giây này thì giai đoạn sau sẽ khó làm được. Tiếp đó là đảm bảo ổn định thân nhiệt cho bé vì bé sơ sinh chưa có hệ thống điều hòa thân nhiệt và cần luôn theo dõi hạ nhiệt. Nếu để hạ nhiệt ở bé sơ sinh thì sẽ dẫn đến tình trạng xuất huyết não, xuất huyết phổi, ảnh hương não… Một điều tiên quyết nữa cần phải lưu tâm là vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.