Điều trị đục thủy tinh thể: hiệu quả và an toàn

,
Chia sẻ

Nên khám mắt 6 tháng/lần để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, nhất là đục thủy tinh thể, BS. Trần Thị Phương Thu (Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM) khuyên.

Một lý do gây mờ mắt thường gặp ở người lớn tuổi là diễn tiến lão hóa của thủy tinh thể trong mắt, trở nên mờ đục dần. Hiện tượng này dân gian còn gọi là cườm khô.

Vì sao “thấu kính” mắt bị đục?

Thủy tinh thể có chức năng như một thấu kính, giúp hội tụ ánh sáng trên võng mạc, sau đó nhận ánh sáng và gửi tín hiệu hình ảnh lên não. Ở mắt bình thường, ánh sáng xuyên qua thủy tinh thể và hội tụ trên võng mạc, cho hình ảnh sắc nét. Nếu mắt bị đục thủy tinh thể, quá trình này sẽ không thể diễn ra. Để mắt thấy rõ, các cấu trúc của nhãn cầu như giác mạc, thủy tinh thể, pha lê thể phải trong suốt, võng mạc không bị tổn thương.

Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu từ nước và protein, không có mạch máu và không có hệ thần kinh. Các sợi protein sắp xếp có trật tự để thủy tinh thể trong suốt và ánh sáng xuyên qua được. Một khi các protein kết tụ lại sẽ tạo nên những vẩn đục khiến mắt không nhìn rõ sự vật nữa, khi đó ta đã mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Bệnh đục thủy tinh thể thường gặp nhất là do nguyên nhân lão hóa, do bệnh lý về mắt (cận thị nặng, viêm nhiễm, chấn thương, thoái hóa…) hay bệnh toàn thân ảnh hưởng lên mắt (tiểu đường, cao huyết áp…), thần kinh thị giác bị tổn thương (teo thần kinh thị, lõm thần kinh thị, viêm thần kinh thị do thuốc kháng lao…).

Giai đoạn đầu thủy tinh thể đục ít, không ảnh hưởng đến thị lực. Theo thời gian bệnh nhân sẽ nhìn mờ, chói sáng khi có ánh sáng mạnh như mặt trời, đèn pha chiếu vào, nhìn một thành hai hay nhiều hơn. Đặc biệt, bệnh nhân phải thường xuyên thay kính khi nhìn và đọc sách.

Để phát hiện bệnh đục thủy tinh thể bệnh nhân nên đến bệnh viện chuyên khoa về mắt đo thị lực, đo nhãn áp (phát hiện bệnh kèm theo như glaucoma). Dùng thuốc nhỏ giãn đồng tử, sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra thủy tinh thể, võng mạc và có thể đồng thời phát hiện các bệnh mắt khác đi kèm, nếu có. Tốt nhất là mỗi người nên khám mắt 6 tháng/lần để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, BS. Trần Thị Phương Thu (Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM) khuyên.

Điều trị phẫu thuật: có hiệu quả?

Bệnh nhân bị đục thủy tinh thể nhẹ, có thể đeo kính hoặc dùng kính lúp để nhìn gần và sinh hoạt nơi ánh sáng đầy đủ. Nếu bệnh nặng, phẫu thuật lấy thủy tinh thể là phương pháp duy nhất có hiệu quả. Dùng thuốc không thể trị hết đục thủy tinh thể, mà chỉ là biện pháp tạm thời trong thời gian chờ phẫu thuật.

Phẫu thuật lấy thủy tinh thể có thể trì hoãn. Riêng bệnh nhân có bệnh lý võng mạc như bệnh võng mạc tiểu đường, thoái hóa hoàng điểm tuổi già, xuất huyết võng mạc có đục thủy tinh thể kèm theo không quan sát được võng mạc, mới buộc phải phẫu thuật sớm.

Có hai cách phẫu thuật trị đục thủy tinh thể là: phẫu thuật Phaco và phẫu thuật lấy thủy tinh thể ngoài bao.

Phaco là dùng dụng cụ phát sóng siêu âm làm mềm và bẻ nhỏ nhân thủy tinh thể sau đó hút ra ngoài. Phẫu thuật này chỉ áp dụng khi thủy tinh thể đục vừa phải. Ngày nay Phaco là một bước tiến mới, hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân, với đường mổ chỉ 2.2mm (giảm 1.4mm so với 15 năm về trước). Sau khi phẫu thuật bệnh nhân không cần nằm viện, thị giác phục hồi nhanh và tối đa sau mổ.

Phương pháp lấy thủy tinh thể ngoài bao thực hiện đối với đục thủy tinh thể nặng, thủy tinh thể quá cứng.

BS Thu nhấn mạnh: Sau khi phẫu thuật Phaco bệnh nhân có nhiều lựa chọn về thủy tinh thể nhân tạo (hay còn gọi kính nội nhãn). Kính nội nhãn sử dụng trong thời gian dài, tạo cho người dùng cảm giác thoải mái trong sinh hoạt hằng ngày.

Theo Nhật Thương
Phụ nữ Online
Chia sẻ