Dị tật bẩm sinh ở tai dễ bị nhầm là nhọt
Thấy nhọt lâu lành ở tai, nhiều người cố dùng kháng sinh nhưng mãi không khỏi. Họ không biết rằng đó thực chất không phải nhọt mà là bệnh rò luân nhĩ, rất dễ gây áp xe.
Dễ điều trị nhầm
Tiến sĩ Lương Hồng Châu, Chủ nhiệm khoa Tai thần kinh, Bệnh viện Tai Mũi Họng, cho biết nhiều trẻ khi mới sinh ra đã xuất hiện một đường rò ở vùng tai. Đó là rò luân nhĩ. Đường rò này chạy sâu vào phía trong và kết thúc ở chân sụn, có thể phình ra tạo thành một nang. Ở một số người, nó là một đường thẳng, ở những người khác lại gồm nhiều đường khác nhau, có hình dạng như rễ cây.
Các bậc phụ huynh cần chú ý tới những lỗ rò và nhọt ở vùng trước tai của trẻ. Ảnh: Lan Hương. |
Bình thường khi chưa viêm nhiễm, miệng lỗ rò nhỏ như đầu kim, khô ráo, không có dịch mủ. Nhưng khi viêm nhiễm, lỗ rò trông giống như một cái nhọt trước tai. Vì thế, nhiều người chỉ dùng kháng sinh để tự điều trị như trường hợp anh Mai T. ở Phú Xuyên. Khi đường rò bị viêm nhiễm, anh tự ý chích, hút mủ, sau đó dùng kháng sinh. Mặc dù ngay sau đó, viêm nhiễm có hết nhưng nhanh chóng tái phát tới 3 - 4 lần, khiến anh phải đến gặp bác sĩ và lúc này mới biết bệnh của mình.
Có thể gây áp xe nhiều lần
Theo tiến sĩ Châu, thông thường, các tế bào da chết bong ra sẽ được thay bằng tế bào da mới. Nhưng trong đường rò này, các tế bào da chết bong ra vẫn tích tụ lại, sau một thời gian sẽ gây viêm nhiễm, sưng và tạo thành ổ áp xe. Đối với đường rò nông, người bệnh có thể nặn ra chất như bã đậu. Đường rò càng nhiều nhánh, khả năng áp xe càng lớn.
“Khi bị áp xe, nhiều người thường chích ra, rạch hút mủ và sử dụng kháng sinh, tình trạng viêm cấp tính có thể hết ở thời điểm đó. Nhưng về bản chất, đường rò vẫn còn đó thì tình trạng viêm nhiễm, áp xe sẽ còn tái phát nhiều lần”, bác sĩ Châu giải thích.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý tới những lỗ rò và nhọt ở vùng trước tai của trẻ. Nếu phát hiện ra, nên đưa trẻ đi khám sớm, phẫu thuật kịp thời, tránh để đường rò bị viêm nhiễm nhiều lần.