Cưới xong là... tăng cân
Tại sao kết hôn lại làm người ta tăng cân? Cùng tìm hiểu nguyên nhân nhé!
Một nghiên cứu năm 2008 của tạp chí Economics& Human Biology, khảo sát 12.000 đàn ông và phụ nữ từ 18 đến 40 tuổi. So sánh với khi họ còn độc thân, chỉ số BMI của đàn ông kết hôn tăng 1,5% so với giới hạn cân nặng lẽ ra họ cần đạt được ở cùng độ tuổi, và chỉ số tương tự ở nữ tăng 2%.
Hôn nhân kéo theo các nghĩa vụ xã hội: tiệc tùng nhiều hơn, giải trí nhiều hơn, nấu cho nhau những bữa ăn thịnh soạn hơn và bạn cũng bận rộn hơn để có thể nghĩ đến việc tập luyện thể thao – Laura Argys - giáo sư kinh tế của ĐH Clorado ở Denver, tác giả nghiên cứu trên cho biết. Các cặp kết hôn rồi còn có khuynh hướng chia sẻ thói quen và hoạt động với nhau, họ sẵn sàng rúc vào nhau trên ghế dài để thưởng thức một bọc bắp rang thật to hơn là mạnh ai nấy tập hùng hục với máy đa năng.
Nếu bạn kết hôn, bạn sẽ nghĩ là mình được “an cư, lạc nghiệp”, không còn cần phải chứng tỏ bản thân nữa, người bạn đời có vẻ như sẽ hoàn toàn yêu bạn bất kể bạn thế nào.
Một nghiên cứu năm 2009 về thừa cân đã khảo sát 1.239 người từ 18-27 tuổi đã kết hôn, sống chung hoặc đang hẹn hò. Những người kết hôn có nguy cơ cả hai bị béo phì nhiều gấp ba, trong khi tỷ lệ của các cặp sống chung là gần gấp đôi, chỉ có những cặp đang hẹn hò là… ốm nhất.
Ngoại hình, đặc biệt với nữ giới, đóng vai trò khá quan trọng trong “thị trường” hôn nhân, nên họ luôn cố giữ thể hình khỏe mạnh và cân nặng như mong muốn khi đang trong giai đoạn hẹn hò – Penny Gordon-Larsen, phụ tá giáo sư về dinh dưỡng ở ĐH Bắc Carolina (Chapel Hill) và là tác giả của nghiên cứu cho biết. Nói cách khác, có vẻ như quan hệ càng ít ổn định, bạn càng có thể đạt cân nặng lý tưởng vì bạn luôn có cơ hội quay lại “thị trường”, cần gia tăng nhu cầu “hấp dẫn” ở lần sau.
Trong khi đó, đối với người kết hôn, chuyên viên ăn kiêng Danielle Omar nhận xét: phụ nữ không thực hành việc kiểm soát khẩu phần ăn và khi ăn bên ngoài, họ được phục vụ phần ăn ngang với khẩu phần của chồng và cả hai thường dùng hết dĩa thức ăn dành cho mình. Chưa kể, các cặp thường uống rượu và ăn tráng miệng sau khi dùng một bữa “hoành tráng”.
Theo giáo sư Argys, những người đàn ông ly dị thường trở lại với cân nặng lúc trước khi kết hôn, và chỉ số BMI (cân đối cơ thể) của phụ nữ ly dị thực sự giảm đến 2,5% so với khi họ sống trong hôn nhân. Tại sao có tình trạng này? Giáo sư Uri Gneezy, ĐH California (San Diego) cho rằng: “Khi bạn độc thân, bạn có động cơ giữ cho bề ngoài của mình luôn “bắt mắt”. Và như thế, vòng lẩn quẩn lại tiếp diễn khi nhìn vào sức hút từ cân nặng của mỗi người”.
Những nghiên cứu này cũng là lời cảnh báo đối với những ai đang sống trong hôn nhân. Nếu không chịu khó chăm chút bản thân để luôn lôi cuốn người bạn đời, có thể dễ dẫn đến… xa nhau.
Theo PNO/Nytimes