Cảnh giác khi ăn hàu sống

,
Chia sẻ

Không ít người tỏ ra lo ngại việc ăn hàu sống có thể có hại vì không đảm bảo vệ sinh.

Nghe bạn bè mách ăn hàu có thể giúp tăng "sức mạnh đàn ông", chị Hồi (Gia Lâm, Hà Nội) thường xuyên mua cho chồng ăn sống. Thế nhưng, sau hai lần ăn, ông xã chị chưa thấy "khỏe" hơn mà lại đau bụng, đi ngoài.

Không chỉ ở các vùng ven biển, hiện nay, hàu được bày bán khá phổ biến ở các quán hải sản tại Hà Nội và các thành phố khác. Theo y học cổ truyền, thịt hàu có tác dụng tráng dương, bổ tinh...

Phụ nữ thiếu máu, thiếu sữa, hay nam giới bị chứng di mộng tinh, yếu sinh lý, hiếm muộn ăn vào đều tốt. Trên một số diễn đàn online, nhiều chị em cũng mách nhau đây là loại "thuốc bổ dành cho tinh trùng" nên rất chăm mua về để bồi dưỡng cho ông xã.
 


Một thành viên của Webtretho còn kể kinh nghiệm, nhờ ăn hàu thường xuyên, một người quen của chị từng vô sinh vì không có tinh trùng (do mắc quai bị lúc nhỏ) đã làm vợ có bầu theo cách tự nhiên.

Tuy nhiên, không ít người tỏ ra lo ngại việc ăn hàu sống có thể có hại vì không đảm bảo vệ sinh.

Gửi thư về tòa soạn, một độc giả tên Loan kể rằng, dịp hè vừa rồi, khi về quê ở Vân Đồn, Quảng Ninh, vợ chồng chị nghe mọi người kháo nhau việc ăn con hàu - được nuôi nhiều ở vùng này - rất tốt cho nam giới nên chồng chị đòi bạn bè đưa đi ăn.

Tuy nhiên, khi vào quán, một người bạn cũ của hai người nhất quyết không cho họ ăn vì cho rằng trong con hàu sống có một loại ký sinh như con sán.

Để chứng minh cho điều này, người bạn đã lấy một con hàu sống, tách vỏ rồi cắt phần thịt ra khỏi vỏ. Khi chỉ còn lại phần nhớt của con hầu và gạn bỏ hết nước lẫn trong đó thì lộ ra rất nhiều ký sinh có dạng như con sán. Thấy vậy, ông xã chị Loan cũng hết muốn tẩm bổ bằng món này.


"Vì tận mắt chứng kiến sự việc như vậy nên tôi cũng thấy lo, không biết món hầu có thực bổ dưỡng như quảng cáo không và nên ăn như thế nào", chị Loan thắc mắc.

Theo ông Phan Hồng Dũng, cán bộ Phòng nghiên cứu bảo tồn biển, Viện nghiên cứu Hải sản (Lê Lai, Hải Phòng), hàu là loại hải sản giàu đạm, rất dễ tiêu, nếu ăn sống có thể gây tiêu chảy hoặc dị ứng.

Nếu được nuôi và đánh bắt trong mùa biển có tảo độc, loại thực phẩm này cũng dễ nhiễm tảo độc và gây ngộ độc cho người dùng sống. Các nhà chuyên môn cũng đã cảnh báo về khả năng hàu có nhiễm sán, tuy nhiên, thực tế chưa có công trình nghiên cứu, đánh giá nào về điều này.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện dinh dưỡng quốc gia, cho biết, tác dụng của hàu trong việc nâng cao sức khỏe nam giới đã được lưu truyền trong dân gian từ lâu.


Về cơ sở khoa học, theo bà Lâm, con hàu, cũng như các loại hến, sò... đều giàu kẽm, giúp cho chu trình chuyển hóa các chất trong cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe cho cả nam giới cũng như phụ nữ, trẻ em.

"Tuy nhiên, đây là loại hải sản hay sống ở các vùng ven biển, cửa biển nên có thể nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, trong đó có sán. Vì thế, khi sử dụng, tốt nhất là nên nấu chín", bà nói.

Một nghiên cứu mới đây được đăng trên bản tin Eurosurveillance của Pháp cũng khẳng định, ăn nhiều con hàu sống có nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày ruột non do norovirus gây ra, nhất là với những người có hệ miễn dịch kém hoặc mắc các bệnh mãn tính.

Còn bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Trưởng phòng khám nam khoa, Viện chăm sóc sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội) cho biết, trong hàu chứa nhiều axit amin và các khoáng chất, nhất là lượng kẽm dồi dào giúp quá trình sinh hóa tế bào xảy ra nhanh, mạnh hơn, giúp các tế bào non phát triển, trong đó, tinh trùng là một loại tế bào non. Nhiều công ty dược cũng dựa vào tính chất này mà đưa ra các sản phẩm kiểu thực phẩm chức năng chiết xuất từ hàu.


Tuy nhiên, bác sĩ Hưng cho rằng, hiện nay, việc tìm ra hướng chữa trị cho những người vô sinh do không có tinh trùng đang là bài toán vô cùng khó đối với không chỉ bác sĩ trong nước mà cả y học thế giới. Thực tế, cũng chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh được hàu có thể giúp sinh tinh.

Theo Vnexpress
Chia sẻ