Cảnh báo mối nguy ung thư từ chất tạo ngọt

,
Chia sẻ

Các chất tạo ngọt (đường hóa học) không có năng lượng đang được quảng cáo tốt cho sức khoẻ nhưng thực chất nó có thể gây ra ung thư gan, phổi, dị dạng bào thai...


TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cảnh báo, hiện nay người tiêu dùng đang bị lừa bởi các nhà kinh doanh về các chất tạo ngọt. Họ quảng cáo các loại đường tốt cho sức khoẻ, không gây béo phì, tiểu đường...

 

Nhưng thực chất đó là các loại đường hóa học, chỉ tạo ra vị ngọt chứ không có năng lượng, được chỉ định dùng cho những người bệnh thừa cân hay đái tháo đường.

 

Loại đường này có độ ngọt gấp 400 - 500 lần so với đường bình thường và không hề có chút dinh dưỡng nào nên đã được các cơ sở sản xuất kinh doanh: bánh kẹo, mứt, nước ngọt, chè, kem... đưa vào sử dụng cho rẻ và lợi nhuận cao hơn nhiều so với đường mía.

 

Trẻ em là đối tượng sử dụng nhiều nhất các sản phẩm này nên chúng dễ trở nên kém phát triển, suy dinh dưỡng.

 

PGS.TS Trần Văn Thuyết, nguyên phó viện trưởng Viện Công nghệ thực phẩm cho biết, trong các loại đồ ngọt, đường hóa học hầu như bị cấm sử dụng, chỉ có một số ít loại được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm như saccharin hay manitol, acesulfam K, aspartam, isomalt, sorbitol, sucraloza nhưng phải trong giới hạn tối đa cho phép. Việc dùng quá quy định sẽ gây hại cho cơ thể.

 

Thực tế, hiện nay trong các loại đồ ngọt người ta đã quá lạm dụng chất này, thậm chí có rất nhiều chất tạo ngọt có nguồn gốc hóa học là sodium cyclamate - một loại đường hóa học được xếp vào dạng độc tố không hề có trong danh mục các loại phụ gia thực phẩm vẫn được bày bán và sử dụng.

 

Việc sử dụng các loại đường hóa học này không gây bệnh cấp tính mà tích lũy gây các bệnh mạn tính nguy hiểm như ung thư tuyến thượng thận, ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền...

 

Hơn nữa các chất chuyển hóa của cyclamate như mono và di cyclohexylamin còn độc hại hơn cả cyclamate (chỉ cần 0,7% đã có tác dụng kích thích và gây ung thư cho chuột).

 

Theo TS Thuyết, điều nguy hiểm là loại đường này hòa tan trong nước, không màu, không mùi nên khó phát hiện. Chỉ có thể chỉ tên "đích danh" qua phân tích hoá học. Nếu nhà sản xuất chỉ cần cho 7 phần đường mía và 3 phần đường hóa học thì ngay cả các chuyên gia cũng không thể phát hiện ra.

 

Còn bình thường về đặc tính hóa học, loại đường này có vị lợm, gắt, không dịu, cảm giác ngọt mãi trong cổ họng và nếu nhiều có cảm giác đắng. Rất nguy hại nếu các loại đường này được cho vào những loại thực phẩm không được phép sẽ phân giải sinh ra các chất khác, khiến nó càng độc hơn. 

 

Theo Bee.net

Chia sẻ