Bệnh của nữ giới: Lupus ban đỏ

,
Chia sẻ

Thống kê của Hội da liễu TP.HCM cho thấy, trong số các bệnh nhân bị lupus ban đỏ, chiếm 90% là nữ giới với độ tuổi trung bình 30.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh này nhưng các bác sĩ da liễu cho rằng các yếu tố nguy cơ là môi trường, bệnh nhân uống một số loại thuốc không phù hợp, ánh nắng mặt trời và do di truyền.

90%  là nữ giới

Thống kê của Hội da liễu TP.HCM cho thấy, trong số các bệnh nhân bị lupus ban đỏ, chiếm 90% là nữ giới với độ tuổi trung bình 30. Nam giới cũng có nhưng ít hơn (tỷ lệ 1 nam/8 nữ). Bệnh chiếm tỷ lệ 50/100.000 dân. Tại Mỹ, phụ nữ da đen mắc bệnh cao hơn da trắng. Khi thấy có những dấu hiệu như nổi ban xuất huyết, đau khớp bạn phải đi khám ngay. Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ kết luận được bạn có bị lupus ban đỏ hay không. Bệnh có nguy cơ gây tử vong nhưng cũng thường bị nhầm với viêm khớp hoặc dị ứng thức ăn vì vậy bạn cần tìm đến cơ sở y tế uy tín để có chẩn đoán chính xác, tránh biến chứng.

Người có nguy cơ bị lupus ban đỏ phải tránh tuyệt đối ánh nắng (ảnh minh họa)

TS. Nguyễn Tất Thắng – Chủ tịch Hội da liễu TP.HCM đã mô tả các triệu chứng của bệnh như sau: Ở thời kỳ khởi phát, triệu chứng của bệnh rất phức tạp. Bệnh nhân phù mặt, nhất là phù mi mắt dưới hay cẳng chân; đau khớp vai, khớp gối; nổi ban xuất huyết, nóng sốt kèm theo viêm khớp không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, còn nổi dát hồng ban hơi đau ở da đầu (có khi bị rụng tóc). Bệnh nhân cần nói rõ cho bác sĩ biết để thông qua lâm sàng tìm ra bệnh. Đến thời kỳ toàn phát, bệnh nhân có các triệu chứng như: da niêm (hồng ban từng lớp có phù), không teo da, không tăng sừng ở nang lông tại những vùng phô bày ra ánh sáng. Các tổn thương này có đau nhưng không ngứa, không có sẹo teo. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể bị rụng tóc, mảng hồng ở miệng, bóng nước.

Trong số những bệnh nhân có triệu chứng trên, 90% bị viêm khớp. Bên cạnh đó là sốt, suy nhược, gầy ốm, thiếu máu; tổn thương các cơ quan thận, tim, thần kinh, phổi, tiêu hóa, gan ...

Tránh nắng

Cách điều trị khá đơn giản, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc, nghỉ ngơi, nếu hút thuốc thì cai thuốc; không sử dụng các loại thuốc làm bệnh nặng thêm; ăn uống các chất dễ tiêu, giàu dinh dưỡng; đặc biệt là tuyệt đối tránh ánh nắng, các tia UVB từ ánh sáng mặt trời rất nguy hại đối với bệnh nhân - bác sĩ Thắng nhấn mạnh. Những loại thuốc đặc trị thường được bác sĩ khuyên dùng là thuốc kháng sốt rét tổng hợp (hay DDS); kháng viêm không steroid (đối với người có viêm khớp); corticoid (liều dùng 20 – 30mg/ngày). Trường hợp bệnh bị tổn thương nội tạng nặng thì dùng corticoid liều cao (1mg/kg/ngày) kết hợp chế độ ăn lạt nhiều đạm.    

Người bình thường nên phòng bệnh bằng cách mang khẩu trang tránh nắng mỗi khi ra đường; tránh sử dụng các loại thuốc có thể gây ra bệnh này như hydralazine, procainamide, d-penicillamine, các thuốc chống co giật.

Theo Thanh niên

Chia sẻ