Sức khỏe của BN1465 bị 'cơn bão Cytokine' hiện nay ra sao?
Bệnh nhân 1465 bị "cơn bão Cytokine" từ chỗ bệnh nặng, thở máy nay đã dần hồi phục, có thể tự đi lại. Bệnh nhân cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2.
Thông tin cập nhật từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân 1465 đã cai máy thở hoàn toàn, sức khỏe tiến triển tích cực.
Theo BS. Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, phổi của bệnh nhân chỉ còn tổn thương rải rác, trao đổi oxy máu tốt. Hiện bệnh nhân có thể tự vận động nhẹ và đi lại trong khu phòng cách ly.
Tuy nhiên, do sức khỏe của bệnh nhân còn yếu, bác sĩ dự kiến trường hợp trên cần điều trị thêm một tháng để bình phục.
Nói về các ca bệnh COVID-19 nặng, BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ rằng, việc có thêm bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng như ca 1465 là điều đã được dự đoán từ trước.
Bởi lẽ theo thống kê trên thế giới cho thấy, trung bình cứ 100 bệnh nhân COVID-19 sẽ có khoảng 19-20 ca nặng. Tuy nhiên nếu kiểm soát tốt các yếu tố bệnh sinh thì chỉ 4-5 ca diễn tiến nguy kịch. Trường hợp kiểm soát các yếu tố trên không tốt hoặc bệnh xảy ra ở nhóm người có nhiều bệnh nền, con số này có thể lên đến 11-12 ca. Do đó, bệnh viện luôn có kế hoạch sẵn sàng ứng phó nếu có bệnh nhân diễn biến xấu.
Được biết đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện không còn bệnh nhân COVID-19 nào có tình trạng nặng. Các bệnh nhân khác đều là ca diễn tiến nhẹ, do Khoa Virus ký sinh trùng và Nội tổng hợp luân phiên điều trị.
Trước đó, Bộ Y tế thông báo bệnh nhân 1465 là nữ, 61 tuổi, quê Bà Rịa Vũng Tàu, nhập cảnh từ Mỹ. Ngay khi chuyển tới cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hôm 2/1, người bệnh đã trong tình trạng rất mệt, ăn uống kém.
Bác sĩ kết luận bệnh nhân tổn thương phổi rất rộng, trên 75% diện phổi, suy hô hấp nặng. Ngoài ra, “cơn bão Cytokine” ở bệnh nhân tương đối trầm trọng. “Cơn bão Cytokine” là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt chất Cytokine gây viêm, khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt.
Những diễn biến này tương tự các ca nặng như bệnh nhân 19, bệnh nhân 91 trước đây.
Chiều 6/1, người bệnh được chuyển lên Khoa Cấp cứu, điều trị trong phòng áp lực âm và đặt ống nội khí quản, can thiệp máy thở xâm nhập.
Ngày 7/1, Hội đồng chuyên môn đã tiến hành hội chẩn quốc gia và đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xem xét lọc máu, xem xét ECMO; theo dõi các thông số dịch; tăng cường dinh dưỡng tĩnh mạch; theo dõi các chỉ số về tim mạch; nội tiết...
Hội đồng chuyên môn cũng điều phối thuốc hiếm “remdesivir” từ BVĐK Trung ương Quảng Nam hỗ trợ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương để kịp thời điều trị bệnh nhân; Bệnh viện tăng cường nhân lực để theo dõi sát trình trạng bệnh nhân...
Đến ngày 11/1, sức khỏe bệnh nhân 1465 đã ổn định, phổi khỏe hơn, giảm tổn thương, trao đổi oxy máu tốt hơn. Ngày 13/1, người bệnh cai được máy thở, tuy nhiên còn tình trạng loạn thần và chức năng thận còn bị ảnh hưởng.