Sức khỏe 12 nạn nhân vụ sập hầm vẫn ổn định
23 giờ hôm qua, dù lực lượng cứu hộ đã thông được ống từ phía cửa hầm chính nhưng vẫn chưa bơm nước ra được. Sữa, cháo loãng, xúc xích và nước gừng đã chuyển xuống dưới cho 12 công nhân mắc kẹt. Sức khỏe của họ vẫn ổn định.
Nước dâng cao
Mặc dù bị lực lượng bảo vệ ngăn cản không cho vào đường hầm, nhưng PV cùng một số đồng nghiệp đã lội vào sâu gần 500m để thông tin về hiện trường và công tác cứu hộ cứu nạn các nạn nhân.
Ống sắt vừa có tác dụng thông khí vừa là phương tiện để nói chuyện và chuyển thức ăn (ảnh lớn); Luồn xúc xích qua lỗ khoan vào chỗ những người bị nạn (ảnh nhỏ giữa). Ảnh: K.A.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là đường hầm vô cùng ẩm ướt, phía dưới chảy nước lênh láng, nhiều đoạn ngập tới nửa bắp chân còn phía trên nước nhỏ long tong, có chỗ chảy thành dòng. Theo cán bộ làm công tác cứu hộ cứu nạn, trong gần 2 ngày qua, đoạn hầm 12 công nhân đang bị kẹt lại, nước tích tụ còn nhiều hơn, do đó càng ẩm ướt, lạnh lẽo. Là một trong những người may mắn chạy thoát ra ngoài khi hầm sập, anh Nguyễn Văn Tuấn (34 tuổi) lo lắng cho những người bị kẹt lại. Anh Tuấn cho biết, trong số 12 người kẹt bên trong có một người em và cháu họ của mình.
Có mặt tại hiện trường từ sáng sớm 17/12, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho biết tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Việc quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe và an toàn cho những công nhân đang bị kẹt trong đường hầm. Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan chức năng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo phải khoan để hút nước và xả bùn từ cả hai phía của hầm để đảm bảo an toàn tính mạng của 12 công nhân bởi nước dâng cao. Phía trước đường hầm đã khoan hơn 30m, còn phía sau sẽ phải khoan khoảng 50-60m.
Khoảng 13 giờ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có mặt tại hiện trường. Lúc này nước trong hầm đã dâng cao hơn. Hai bộ trưởng chỉ đạo tỉnh Lâm Đồng cùng các cơ quan, đơn vị phải khoan nhiều hướng khác nhau để nhanh chóng bơm, hút nước. Nước dâng cao sẽ gây mất an toàn cho 12 người bị kẹt.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, tình hình rất cấp bách do nước bên trong đường hầm ngày càng dâng lên. Phải triển khai khoan từ cả ba hướng gồm hai hướng ở hai đầu đường hầm và một hướng từ trên đồi xuống. Riêng phương án khoan từ trên xuống sẽ áp dụng phương pháp khoan cột nhồi. Song song với đó là khẩn trương đào hầm, lắp ống sắt có đường kính lớn để các nạn nhân thoát ra ngoài.
Luồn xúc xích qua lỗ khoan vào chỗ những người bị nạn. Ảnh: Kim Anh.
Sức khỏe ổn định
Hơn 17 giờ, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Nguyên Hữu Tâm bước ra từ đường hầm với tâm trạng lo lắng. Ông cho hay, nơi 12 nạn nhân bị kẹt lại, nước đã ngập 1m. May mắn là trong hầm còn chiếc máy xúc nên mọi người đã leo lên để tránh ngập nước. Chiều cao của đường hầm là 3,7m. Đến 19 giờ 20, thông tin từ Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh Lâm Đồng, mực nước trong đoạn hầm này đã dâng cao khoảng 1,2 m.
21 giờ, trong lúc việc cứu hộ đang hết sức căng thẳng, khẩn trương, chạy đua với thời gian, bỗng có tiếng reo của một nhân viên kỹ thuật Cty Sông Đà: “Tụi em khoan được ống thứ hai rồi!”. Mũi khoan đã xuyên qua 35m đoạn hầm bị sập, thông đến chỗ 12 công nhân đang bị mắc kẹt. Một đường ống được luồn qua lỗ khoan này để hút nước ra nhưng chưa thành công. Trước mắt, lỗ khoan này có công dụng thông khí và tiếp tế đồ ăn, thức uống. Sữa và cháo loãng được đổ qua ống, các công nhân bên trong dùng mũ bảo hộ để hứng, còn xúc xích được cột vào dây kẽm rồi luồn qua ống.
23 giờ 20, lực lượng của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có mặt tại hiện trường, đề xuất một phương án mới cứu các nạn nhân. Đó là dùng súng bắn nước áp lực cao có khả năng đẩy được các vật cản phía dưới, tạo ra một tiết diện khoảng 2m2 để công nhân chui ra. Tuy nhiên, phương án này chỉ áp dụng với khu vực đất khô.
23 giờ 40, thông tin từ hiện trường, sức khỏe của các nạn nhân vẫn ổn định. Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm mọi cách hút nước ra ngoài.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật về vụ việc này trong các số báo sau.
Danh tính 12 nạn nhân 1. Phạm Xuân Đăng, 1964, Vĩnh Phúc; 2. Nguyễn Anh Tuấn, 1981, Hà Tĩnh; 3. Phạm Viết Lành, 1994, Nghệ An; 4. Phạm Viết Nam, 1973, Nghệ An; 5. Đặng Thị Hồng Ngọc, 1988, Nghệ An; 6. Trương Tuấn Việt, 1984, Hà Nội; 7. Nhỡ Văn Tường, 1986, Hà Nam; 8. Hoàng Tiến Đoàn, 1989, Nam Định; 9. Hoàng Anh Văn, 1980, Nam Định; 10. Hoàng Đình Hường, 1984, Nam Định; 11. Hoàng Đình Thịnh, 1986, Nam Định; 12. Nguyễn Văn Quang, 1976, Hà Tĩnh. |