Suboi tiết lộ căn bệnh khiến vóc dáng mảnh mai ngay cả khi mang bầu

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Căn bệnh khiến nữ rapper luôn gầy gò không phải do ăn kiêng, ngay cả khi bầu bí và mới sinh con.

Mắc bệnh tuyến giáp, Suboi luôn có thân hình mảnh mai

Xuất hiện trong chương trình Rap Việt mùa 3, nữ rapper Suboi (tên thật là Hàng Lâm Trang Anh, sinh năm 1990) khiến nhiều người không khỏi xuýt xoa bởi vóc dáng luôn thanh mảnh, bất kể cô đã từng trải qua sinh nở. 

Xem lại những bức ảnh thời bầu bí, nhiều người càng bất ngờ hơn vì cô không tăng cân nhiều. Ngay sau khi sinh con đầu lòng, nữ rapper về dáng ngay lập tức, càng khiến nhiều người xuýt xoa. 

Vóc dáng luôn mảnh mai bất chấp cả khi bầu bí, hóa ra giám khảo Suboi mắc phải căn bệnh này - Ảnh 1.

Suboi chia sẻ, đúng là khi mang thai, sinh con, cô luôn có chế độ ăn điều độ, khoa học nhưng không có nghĩa là ăn kiêng khem kham khổ. Bệnh tuyến giáp mới là nguyên nhân chính khiến thân hình Suboi luôn mảnh mai, dù hiện tại nữ rapper duy trì ăn uống bình thường.

Theo BS Nguyễn Văn Thái (chuyên khoa Ung bướu và Phẫu thuật thẩm mỹ, làm việc tại Hà Nội), chị em phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị mắc bệnh tuyến giáp hơn nam giới. Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ bị bệnh lý tuyến giáp nhiều gấp 4-5 lần so với đàn ông.

Trả lời về việc bệnh nhân tuyến giáp có cơ thể gầy gò, BS Nguyễn Văn Thái chia sẻ: Dưới tác động của tuyến giáp đến hệ tiêu hóa, tình trạng giảm cân hoặc tăng cân diễn ra bất thường. Cơ thể gầy gò dù bản thân ăn uống bình thường, thậm chí ăn khỏe thường là một trong những dấu hiệu cảnh báo người bị bệnh cường giáp. Ngược lại, suy giáp sẽ gây tăng cân do cơ thể có xu hướng tích nước.

Vậy, bệnh tuyến giáp còn có những dấu hiệu cảnh báo nào đáng chú ý khác?

Khi mắc bệnh tuyến giáp, bạn có thể xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau. Thật không may, các triệu chứng của bệnh tuyến giáp thường rất giống dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác. Điều nay gây khó khăn cho việc xác định bệnh.

Vóc dáng luôn mảnh mai bất chấp cả khi bầu bí, hóa ra giám khảo Suboi mắc phải căn bệnh này - Ảnh 2.

Theo Viện Cleveland, phần lớn, các triệu chứng của bệnh tuyến giáp được chia thành 2 nhóm. Một là nhóm liên quan đến việc có quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp) và nhóm liên quan đến việc có quá ít hormone tuyến giáp (suy giáp). 

1. Các triệu chứng của tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) có thể bao gồm:

- Rất thích nói chuyện và nói rất nhiều, thích tiếp xúc với người khác.

- Nhiều người sợ nóng, mồ hôi ra nhiều, đặc biệt là các vùng lòng bàn tay…

- Tim đập nhanh, hay hồi hộp trống ngực khó thở.

- Khi làm việc gắng sức bệnh nhân sẽ thấy rất khó chịu, luôn trong trạng thái bồn chồn, lo lắng.

- Tính khí thất thường, dễ cáu giận, làm việc này chưa xong lại muốn thay đổi làm việc khác…

Vóc dáng luôn mảnh mai bất chấp cả khi bầu bí, hóa ra giám khảo Suboi mắc phải căn bệnh này - Ảnh 3.

- Các đầu ngón tay thường run rất nhiều khi đưa bàn tay ra trước mắt nhắm lại sẽ thấy rất rõ.

- Rối loạn kinh nguyệt.

- Da mỏng, tóc giòn.

- Yếu cơ đặc biệt ở vùng cánh tay và đùi.

- Hay đau bụng.

- Người gầy, sút cân dù ăn bình thường hoặc ăn khỏe.

- Có bệnh lý về mắt như đau mắt, mắt long lanh. Nếu để lâu, tình trạng lồi mắt ở chị em là chuyện rất khó tránh.

2. Các triệu chứng của tuyến giáp hoạt động quá ít (suy giáp) có thể bao gồm:

- Thường xuyên mệt mỏi.

- Tăng cân.

- Nhạy cảm với lạnh.

- Da, tóc khô.

- Yếu cơ.

- Thay đổi tâm trạng.

- Có vấn đề về trí nhớ, sự tập trung.

- Kinh nguyệt có vấn đề.

- Khàn giọng.

- Nồng độ cholesterol tăng cao.

Vóc dáng luôn mảnh mai bất chấp cả khi bầu bí, giám khảo Suboi tiết lộ mắc phải căn bệnh này - Ảnh 4.

Phòng tránh bệnh tuyến giáp - phụ nữ cần chú ý 4 điều quan trọng!

Chuyên gia khuyên, mọi người, nhất là chị em phụ nữ nên luyện tập thể dục thường xuyên để tăng cường miễn dịch, phòng tránh bệnh tuyến giáp nói chung cũng như các bệnh lý khác.

Bổ sung đầy đủ i-ốt cho cơ thể. Thừa hoặc thiếu i-ốt đều có thể gây ra bệnh lý tuyến giáp. Bạn có thể đến bác sĩ dinh dưỡng thăm khám và được tư vấn phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng hàng ngày nên chú trọng các loại thực phẩm như trái cây tươi (quả mọng), các loại rau xanh (súp lơ, cải xoăn…). Xây dựng lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc...

Cuối cùng, chị em đừng quên tầm soát các bệnh lý tuyến giáp hàng năm, nhất là phụ nữ trên 20 tuổi. Tầm soát sớm giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị ngay khi chưa có triệu chứng, người bệnh ít bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe. 

Chia sẻ