Sữa Nhật “cháy” hàng
Nhiều ông bố, bà mẹ đổ xô tới các đại lý mua và tích trữ sữa, thực phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Chị Vũ Thị Hương mới đổi sữa W. cho con ăn được gần một năm nay, thấy loại sữa bột này rất hợp với bé Mai, con chị tăng cân đều, hấp thụ thức ăn tốt mà lại không bị táo bón như trước, nên chị dự định sẽ “trung thành” với loại sữa này cho đến lúc con lên 3 tuổi. “Nhưng nghe tình hình thảm họa tại nước Nhật, tôi cũng lo lắng sắp tới việc mua sữa sẽ khó khăn hơn, nếu không khan hàng thì lại lo nhiễm phóng xạ, mình có ở trong… hộp sữa đâu mà biết sữa có còn an toàn hay không?”
Chung nỗi lo lắng như chị Hương, chị Hoàng Thị Linh cũng cho con ăn sữa M. Chị cũng lo lắng như nhiều bà mẹ khác nên ngay từ hôm nghe tin xảy ra động đất, sóng thần tại Nhật, chị đã cùng với các mẹ khác đi mua mấy thùng sữa về dự trữ. “Mua thêm mấy hộp để đó, con có thể ăn được 6, 7 tháng, lúc đó chắc tình hình tại Nhật cũng được khắc phục rồi. Các bà mẹ Việt đổ xô đi mua sữa, lại nghĩ thương các bà mẹ Nhật và những đứa trẻ Nhật.”
Chị cũng cho biết: tâm lý các bà mẹ ai cũng muốn tìm cho con một loại sữa phù hợp, khi đã tìm được đúng loại, thì chắc chắn sẽ mua sữa đó cho con dùng trong một thời gian dài. Chính vì thế ai cũng có tâm lý tích trữ sữa, vì sợ khan hàng.
Các loại sữa Nhật đều "cháy" hàng (ảnh: internet)
Chị Trần Hương Trà đã kịp mua cho con 6 hộp Wakodo số 0 với giá 437.000 đồng/hộp, nhưng ngày hôm sau, chị dự tính mua thêm để cho con dùng dần thì giá đã tăng lên 476.000 đồng/hộp. Thấy đắt, chị sang đại lý khác để mua thì chủ hàng đều báo đã hết.
Các đồng nghiệp ở cùng công ty chị, cho con dùng các loại sữa Mori, Merries và Goon hay Meiji đều có chung tâm lý “găm” hàng chờ nước Nhật vượt qua cơn khủng hoảng. “Tôi cũng vừa mua 5 hộp Icreo liền mà vẫn muốn mua tiếp vì sợ con đang dùng quen lại hết sữa, hơn nữa chủ cửa hàng cũng khuyến cáo còn đợt sữa này thôi vì lo bò sẽ nhiễm phóng xạ nên chắc chắn ko có sữa Nhật trong một thời gian nữa. Định mua thêm nhưng gọi điện tới mấy cửa hàng đều được thông báo là đã hết sữa.”
Nhiều bà mẹ khác lại có tâm lý đổi loại sữa khác cho con ăn. “Tôi chậm chân, đi mua không còn hàng, nếu con ăn hết hộp này thì chắc phải đổi sữa khác cho bé thôi. Sự cố nhiễm phóng xạ sẽ để lại hậu quả kéo dài trong nhiều năm, hiện giờ có thể các đại lý vẫn còn hàng, nhưng thời gian tới nếu có thêm đợt sữa mới về cũng không dám chắc liệu có nhiễm phóng xạ hay không nên tôi quyết định đổi sữa cho con. Ít ra cũng giải quyết được nỗi lo cho sữa không đảm bảo an toàn.”
Tâm lý lo lắng của nhiều bà mẹ đã dẫn đến tình trạng “cháy” sữa Nhật tại các siêu thị và đại lý, và nếu còn sữa, thì nhiều đại lý cũng… hét giá trên trời. Nhiều chủ hàng cho biết việc tăng giá là hết sức bình thường. “Trước hàng bên Nhật về đều, cứ hai tuần một lần, nhưng giờ bên nước Nhật đang rối ren như vậy, chẳng biết khi nào sẽ có hàng. Biết nhiều người sốt sắng, nhưng tôi cũng đành chịu,” chị Nguyễn Thảo, một người bán hàng trên phố Khâm Thiên cho hay.
Bên cạnh đó, các sản phẩm gia dụng cho bé như phấn rôm, sữa dưỡng thể, miếng dán hạ sốt, thuốc đuổi muỗi và côn trùng… nếu sản xuất trước tháng 3/2011 đều được mua hết. Ngược lại, người tiêu dùng thường tránh các sản phẩm được sản xuất từ tháng 3/2011 vì sợ nhiễm khí độc từ chất phóng xạ nguyên tử.