Sữa chua trân châu Hạ Long - món ăn vặt khó cưỡng
Sữa chua trân châu Hạ Long, món ăn vặt thân quen, vừa thanh mát, vừa tốt cho sức khỏe mà du khách khó cưỡng khi đến vùng đất du lịch nổi tiếng này.
Đặc sản sữa chua trân châu Hạ Long
Không phải tự nhiên mà sữa chua trân châu Hạ Long trở thành một món ngon nổi tiếng khắp mọi miền Tổ quốc.
Món ăn vặt được chế biến đơn giản nhưng đặc biệt là vì nó được lấy cảm hứng 100% bởi con người Hạ Long. Sữa chua trân châu Hạ Long là sự kết hợp một cách tài tình giữa sữa chua dẻo mịn, thanh mát cùng với trân châu dẻo dai, nước cốt dừa thơm ngậy, tạo nên hương vị hấp dẫn đến cưỡng.
Đến Hạ Long trong những ngày hè đầy nắng và gió, du khách chỉ nếm thử một lần cũng đủ để say mê và nhung nhớ.
Cách làm sữa chua trân châu Hạ Long
Bạn có thể chuẩn bị các loại nguyên liệu đơn giản sau đây một cách dễ dàng tại các siêu thị, chợ mua bán thực phẩm:
Nguyên liệu: Lọ thủy tinh nhỏ 100ml, 1 hộp sữa chua mua sẵn (để nguội ở nhiệt độ phòng), sữa tươi, 1 hộp sữa đặc Ông Thọ, nước sôi và nước sôi để nguội, 1 túi bột năng, đường, dừa cùi thái hạt lựu và cốt dừa (thêm một chút lá dứa nếu có) và lò nướng hoặc nồi cơm điện.
Đồ ăn kèm: Nếu muốn món sữa chua thêm phần đa dạng thì bạn có thể chuẩn bị thêm một số đồ ăn kèm như dừa khô, chuối khô, ô mai, hoa quả…
Các bước làm sữa chua trân châu Hạ Long
Bước 1: Pha sữa đặc với nước nóng, nước đun sôi để nguội và sữa tươi theo tỷ lệ tham khảo là 1:1:1:1 (có thể thay thế sữa tươi bằng nước nguội nhưng sẽ kém thơm ngon hơn).
Bước 2: Hỗn hợp trên âm ấm khoảng 40 độ C thì đổ 1 hộp sữa chua vào làm men cái, trộn đều với nhau.
Bước 3: Rót hỗn hợp vào từng hũ thủy tinh, đậy nắp kín, tùy vào nhiệt độ thời tiết nóng hay lạnh mà ủ từ 6-8 tiếng trong nồi cơm điện. Nếu sử dụng lò nướng để kiểm soát nhiệt độ thì có thể ủ khoảng 4 tiếng là được.
Bước 4: Sau khi ủ đủ thời gian, nhẹ tay di chuyển vào ngăn đá tủ lạnh (cẩn thận để tránh long chân và phá vỡ liên kết khiến sữa chua không được mịn). Từ đây, đợi tới lúc sữa chua cứng lại là có thể thưởng thức.
Bước 5: Trong thời gian chờ đông đá, hãy trộn bột năng cùng với đường và cùi dừa đã cắt nhỏ thành hạt lựu, đảo đều với nhau. Nhào với nước ấm - nóng cho đến khi hỗn hợp dẻo mềm, bột không dính tay nữa thì vê nhỏ, nặn thành từng viên trân châu bé, đường kính dưới 1 cm. Sau khi nặn xong thì lăn qua 1 lần trên bột khô, giúp bảo quản tủ lạnh, bỏ ra ăn dần dễ hơn.
Bước 6: Luộc trân châu từ 10-15 phút với lửa nhỏ. Sau đó tắt bếp, ngâm thêm 10-15 phút trước khi vớt ra để nguội.
Bước 7: Đun sôi một nồi nước cốt dừa, cho lá dứa vào để mùi thơm hơn, thả trân châu vào đun thêm 2 phút. Sau đó ăn nóng kèm với sữa chua.