Sự vị tha... vô vị
Vị tha không dễ! Ngay cả khi người ta tưởng mình đã vị tha hơn rất nhiều thì có thể đó chỉ là cái bóng của sự chịu đựng hoặc nhạy cảm thái quá với nỗi đau của người khác.
Vị tha vì nỗi buồn trong quá khứ
Thường thì phụ nữ hay giận dỗi hơn đàn ông, giận dỗi từ những lỗi rất nhỏ, thậm chí là không đáng.
Các nhà tâm lý học giải thích sở dĩ có điều đó là do quy định giới đặc trưng của phụ nữ. Họ muốn giận dỗi nũng nịu. Đó là cách để họ thể hiện tình yêu chứ không hẳn họ nhỏ nhen hay đặt nặng một vấn đề nào đó.
Chính vì thế, khi gặp phải những lỗi lầm lớn như ngoại tình, cờ bạc... phụ nữ lại có xu hướng dễ tha thứ hơn đàn ông. Vì khi đó sự giận dỗi không còn để thể hiện tình yêu nữa. Nó trở thành một nỗi giày vò khiến họ không thể chịu đựng được.
Họ bắt đầu cân nhắc đến được mất trong mối quan hệ vợ chồng và rồi sợ hãi tổn thương cho cả mình và con cái, họ tha thứ cho đàn ông hết lần này đến lần nọ.
Ảnh: PNVN |
Có những người phụ nữ chỉ cần nhìn thấy chồng về đến cổng là ngay lập tức họ săn đón những nỗi mệt mỏi của chồng để tìm cách chia sẻ, rót nước, lấy khăn, cởi giày, đấm bóp... Họ coi đó là niềm vui, là cách để chôn vùi thật sâu những cảm giác khó chịu trong lòng. Tuy nhiên sự khỏa lấp này chỉ mang tính tạm thời. Khi người phụ nữ chưa thể trực tiếp đối diện với nỗi đau của mình thì nó vẫn còn nằm đó, đợi thời cơ để trỗi dậy.
Sự vị tha như vỏ bọc đường ở bên ngoài này cũng dễ khiến cho phụ nữ cảm thấy mệt mỏi vì bản thân nó có phần đối chọi với đau khổ chưa được giải quyết bên trong.
Đàn ông chán ngấy sự vị tha thừa mứa
Những người phụ nữ có xu hướng vị tha thái quá thường luôn mang trong mình một cảm giác về trách nhiệm với ai đó nhưng không cho người khác có cơ hội đáp lại. Điều này vi phạm nguyên tắc cân bằng cho nhận trong tình cảm đôi lứa.
“Trong bất cứ mối quan hệ xã hội nào, có qua có lại là nguyên tắc cơ bản cần phải duy trì. Người đàn ông muốn được săn sóc nhưng bản năng cũng thôi thúc anh ta che chở cho người phụ nữ của mình”, PGS Nguyễn Hồi Loan, giảng viên trường ĐH KHXH&NV, cho biết.
Khi những vết thương của phụ nữ chưa được hàn gắn, họ thường lo lắng viển vông về một sự mất mát hoặc bất định nào đó. Chỉ khi có một cái nhìn tích cực hơn về khả năng hiện tại, họ mới có thể sẵn sàng đón nhận những tình cảm hết sức tự nhiên đến với mình.
Tuy nhiên, hầu hết những người phụ nữ này lại chọn vị tha là giải pháp và ngày càng chìm đắm vào vũng lầy chính mình tạo ra. Bên ngoài có vẻ như họ tha thứ tất cả, nhưng bên trong, những đợt sóng ngấm ngầm cứ thôi thúc khiến họ mệt mỏi và gắt gỏng.
Người đàn ông, vốn bị chăm sóc và tha thứ như một đứa trẻ, lại càng lấy làm sợ hãi. Họ bắt đầu né tránh sự chăm sóc và bực bội khi phụ nữ cứ tỏ ra rằng mình có thể tha thứ mọi việc.
“Tôi đã từng tư vấn cho rất nhiều cặp vợ chồng gặp phải tình huống tương tự. Người chồng chỉ vì không chịu được cách săn sóc thái quá của vợ, thấy mình như con nợ, chỉ vay về mà không trả lại được nên đã đề nghị ly dị. Hơn nữa, đặc trưng về giới khiến anh ta cảm thấy bức bối khi không được che chở cho vợ mình. Người đàn ông cũng cần cả sự phán xét nghiêm túc để thấy mình đã đủ trưởng thành, chứ không phải chỉ là ậm ừ cho qua chuyện”, Ths Mạnh Hà cho biết.
Việc phụ nữ đánh mất bản thân khi chỉ biết mải miết chăm lo nhu cầu của người khác khiến cho cá tính của họ cũng mất đi. Sự lệ thuộc tình cảm đó khiến đàn ông thấy nặng gánh và nhàm chán.