Sự thật về việc chuyển lậu tinh trùng tù nhân ở Palestine
Gần đây, bộ phim “Amira” của đạo diễn Mohamed Diab người Jordan, được đề cử tranh giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất năm nay, đã gây náo động ở Jordan và Palestine, bị buộc phải rút lui.
Tất cả đạo diễn, nhà sản xuất cho đến nhà đầu tư bộ phim đều đến từ các nước Ả Rập. Bộ phim kể về câu chuyện một người Palestine bị giam giữ ở Israel, đã lén chuyển tinh dịch của mình cho vợ, sau đó có một đứa con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đó là cách cha mẹ của Amira sinh ra cô, nhưng thân phận Amira không đơn giản như vậy... Bộ phim đã phản ánh hoàn cảnh khốn khổ của người Palestine, nhưng không ngờ cũng kích thích những dây thần kinh nhạy cảm của phía Palestine.
Cơ cấu quyền lực Palestine và một số tổ chức Palestine đã dẫn dắt người Palestine lên án bộ phim, cho rằng bộ phim “xúc phạm và sỉ nhục nhân phẩm của các tù nhân”, đồng thời kêu gọi toàn thể người Ả Rập tẩy chay bộ phim, nếu không sẽ là “phản bội cuộc đấu tranh của chúng ta”.
Trên thực tế, đã có gần một trăm đứa trẻ Palestine được sinh ra bằng cách đưa trộm tinh trùng từ các nhà tù và con số này vẫn đang tăng lên. Ngoài phản đối offline, người ta còn đánh giá không tốt về bộ phim trên mạng. Phim có thể kịch tính hóa tình tiết, nhưng chuyện tinh trùng đưa trộm ra ngoài là sự thật. Những người Palestine bị kết án nặng vì tham gia tấn công Israel bị gọi là “tội phạm an ninh” và bị giám sát nghiêm ngặt. Trong thời gian thăm khám, họ chỉ liên lạc với người nhà qua điện thoại trong 45 phút qua một lớp kính dày, và trong 5-10 phút cuối, họ chỉ được phép tiếp xúc cơ thể với trẻ em dưới 8 tuổi. Vì vậy, không có cơ hội để có con với vợ (hoặc chồng) trong quá trình thăm khám.
Cơ quan quyền lực Palestine cho rằng những người Palestine bị bỏ tù vì tình nghi khủng bố bị Israel đối xử theo tiêu chuẩn kép, bị cấm “quan hệ thân mật với bạn đời” khi thăm viếng, trong khi một số tù nhân người Israel thì được phép.
Với sự phổ cập dần dần của khoa học và công nghệ, sinh con trong ống nghiệm (IVF) không còn là một thủ thuật quá khó khăn. Điều này đã truyền cảm hứng cho một số tù nhân thông qua những người thân đến thăm để chuyển trộm tinh dịch của họ ra ngoài để vợ của họ có thể sinh con trong ống nghiệm. Bằng cách này, việc ở trong tù sẽ không cản trở sự phát triển của gia đình và tạo ra thế hệ tiếp theo để chiến đấu chống lại Israel.
Năm 2012, đứa trẻ Palestine đầu tiên được sinh ra nhờ chuyển lậu tinh dịch một thành viên Hamas bị kết án 27 năm tù. Vào năm 2013, thậm chí một cặp song sinh đã sinh ra nhờ tinh dịch chuyển lậu để thụ tinh trong ống nghiệm. Bật lửa nhựa, bao bì thực phẩm và nhiều phương thức khác nhau có thể được sử dụng để mang theo hàng lậu, khiến Israel khó đề phòng. Mặc dù dụng cụ chứa thô sơ đã làm giảm xác suất thành công, nhưng chỉ cần tinh dịch có thể đưa đến bệnh viện trong vòng 12 giờ, thủ thuật IVF có hy vọng thành công. Hầu hết cha của những đứa trẻ này đều còn sống, nhưng chả khác nào đã chết.
Nhiều phạm nhân trọng tội đã ở tù từ khi còn trẻ, chả khác nào vợ họ góa chồng sớm. Bầu không khí tôn giáo ở Palestine khá bảo thủ, đặc biệt đối với các gia đình tham gia Hamas. Nếu vợ của một tù nhân chọn ly hôn, cô ta sẽ phải chịu áp lực xã hội rất lớn và hầu như không thể làm như vậy được.
Một bác sĩ phụ khoa người Palestine từng nói với giới truyền thông, những phụ nữ như vậy thường coi việc sinh con là niềm an ủi nhỏ nhoi, thậm chí là niềm hy vọng trong cuộc sống. Tóm lại: chồng muốn có con, vợ thì muốn nuôi.
Cho dù ở dải Gaza hay Bờ Tây, đều có những bệnh viện người Palestine ủng hộ hành vi này. Mặc dù một số bác sĩ Palestine nói họ không có khuynh hướng chính trị, nhưng trên thực tế, họ thường thông cảm với những phụ nữ như vậy, có thể làm thủ thuật miễn phí và lo tác động xã hội đối với họ. Bởi vì xã hội địa phương cực kỳ bảo thủ, nếu người chồng bị ngồi tù mấy năm mà người vợ đột nhiên có thai, điều này có ý nghĩa gì với họ và nó sẽ mang đến những nguy hiểm khó lường nào?
Để có được một đứa trẻ sinh trong ống nghiệm, họ phải chịu rủi ro rất lớn; quan niệm tôn giáo của Palestine rất khắt khe đối với phụ nữ. Trước khi thụ tinh bên ngoài cơ thể, bác sĩ sẽ yêu cầu gặp người nhà của cả hai bên nam nữ để xác nhận tinh trùng có phải từ người chồng hay không. Cũng có ý kiến cho rằng trước khi làm thủ thuật, người vợ nên công khai với hàng xóm, láng giềng, nói rõ tinh trùng của chồng đã chuyển trộm thành công và dự định sẽ có con bằng biện pháp IVF.
Trước những vụ chuyển lậu tinh trùng thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây, Cục Quản lý nhà tù Israel (IPS) khẳng định các nhà tù được kiểm soát chặt chẽ và không tin xảy ra những chuyện như vậy. Một số cư dân mạng đã chế nhạo tuyên bố của IPS, nói rằng thu nhập của quản giáo quá thấp, chỉ cần có tiền thì cần sa cũng có thể mang vào.
Trên thực tế, mặc dù phía Israel phủ nhận nhưng họ vẫn hành động một cách thiết thực, tăng cường quản lý những “tù nhân an ninh”, đồng thời ngăn chặn thành công một số vụ chuyển lậu tinh dịch. Tòa án Israel cũng đã bắt đầu truy tố những kẻ chuyển lậu thành công tinh trùng của “tù nhân an ninh”. Vụ án sớm nhất là năm 2014, tù nhân người Palestine chuyển lậu tinh trùng đã bị phạt 1.449 USD và cấm gia đình thăm nuôi trong hai tháng.
Hiện có khoảng 5.000 người Palestine, bao gồm các “tù nhân an ninh”, đang thụ án tù, theo dữ liệu do Hiệp hội Tù nhân Palestine và nhóm nhân quyền B’Tselem của Israel thu thập. Các “tù nhân an ninh” phải thụ án rất lâu, ngay cả khi họ có cơ hội được tự do, vợ của họ thường đã không còn khả năng sinh con nữa.