Sự thật về 'thần dược' ngò tây lọc thận

,
Chia sẻ

Cư dân mạng đang mách nhau về phương pháp lọc thận siêu rẻ bằng cách uống nước cây ngò tây.

Về tác dụng lọc thận, theo PGS TS Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm Cây thuốc Việt Nam, chưa có một công trình nghiên cứu y học nào chứng tỏ ngò tây có khả năng lọc thận. Các tài liệu tham khảo của Đức, Trung Quốc... cũng chỉ đề cập ngò tây chữa bệnh cao huyết áp, điều kinh, lợi tiểu, chống phù, chứng đái són và bệnh lậu.

Lọc thận giá không đến 1 USD

Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “ngò tây lọc thận” hoặc “lọc thận không đến 1 USD”, sẽ thấy hàng loạt trang web cả tiếng Anh và tiếng Việt hướng dẫn cách lọc thận hết sức đơn giản. “Chỉ cần mua một bó ngò tây và rửa thật sạch rồi cắt ra thành những đoạn ngắn cho vào một cái ấm. Chế nước sạch vào và đem nấu sôi trong thời gian 10 phút, sau đó để nguội và lọc lại đổ vào một bình sạch và để vào trong tủ lạnh. Mỗi ngày uống một ly các bạn sẽ thấy muối và các chất độc đã tích tụ sẽ bị thải ra khỏi thận qua đường tiểu”.

Theo TS Khánh, ngò tây còn có tên là rau mùi tây, tên khoa học là Petroselimun sativun Hoffm, thuộc họ cần. Cây có nguồn gốc từ Tây Á và Bắc Phi, được trồng nhiều ở châu Âu để làm rau gia vị. Mùi tây có hai giống là thứ lá rộng và thứ lá xoăn. Ngoài ra còn có giống cây lấy củ. Các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu.
 
 

Theo Đông y, mùi tây có tác dụng kích thích thần kinh, giúp khai vị, dễ tiêu hóa, giải độc, lọc máu, lợi tiểu, điều hòa kinh nguyệt, giãn mạch, kích thích cơ trơn và trị giun. Thường dùng dưới dạng thuốc sắc với liều 25 - 50gr, uống trị suy nhược, chứng khó tiêu, ăn không ngon, đầy hơi, nhiễm khuẩn, thấp khớp và đau bụng kinh. Ngoài ra, giã đắp trị căng sữa, tiêu sưng, sưng vú. Quả khô có tác dụng kích thích thần kinh và lợi tiểu, nhai làm thơm miệng, nhất là khi ăn tỏi.

Có thể mắc sỏi thận

BS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, khẳng định, mùi tây là một vị thuốc nam dùng làm rau gia vị và có tác dụng giải cảm, chứ không có tác dụng chữa bất kỳ bệnh gì. Các bài thuốc chữa bệnh từ mùi tây đều là do kinh nghiệm dân gian, truyền miệng chứ thực tế, chưa có tài liệu nào chứng minh tác dụng chữa bệnh của nó.

BS Hướng phân tích, bất kỳ con gì, cây gì, khi đã dùng làm thuốc phải có một liều lượng nhất định, dược tính của nó ra sao, các chất trong đó có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? Ai là người dùng được, ai không dùng được, liều dùng khác nhau ở từng người trên cơ sở chỉ định của bác sĩ.

Ở đây, bài thuốc chỉ định cả một bệnh lớn - lọc thận - nhưng lại chỉ định rất chung chung “một bó” lớn nhỏ, cân lượng là bao nhiêu? Bao nhiêu nước thì đủ cho một ấm? Dùng bao nhiêu ngày thì có kết quả? Ly lớn hay ly nhỏ...? Các chỉ số đơn giản nhất cho một bài thuốc cũng không có. Đặc biệt, các tài liệu này “quên” chi tiết quan trọng nhất là chất gì trong ngò tây có tác dụng "lợi tiểu"? Hay "lọc muối"? Nước tiểu trước khi dùng ngò tây có nồng độ muối và "chất độc" là bao nhiêu? So sánh với nước tiểu sau khi dùng ngò tây? Làm thế nào để biết rằng "ngò tây" đã "lọc" thận? Hay thận đã phải làm thêm việc để "lọc" và thải ngò tây ra ngoài cơ thể?

Đặc biệt, do mùi tây có tác dụng kích thích đối với cơ thể nên BS Hướng khuyên, phụ nữ có thai, người bị sỏi thận và viêm bàng quang (nước ép từ mùi tây có tác động kích thích các mô thận), huyết áp thấp, thiếu máu không nên dùng.

Hơn nữa, các chuyên gia cũng khuyên, mùi tây chứa nhiều axít oxalic (1,7%), một hợp chất tham gia vào sự hình thành sỏi thận và các thiếu hụt chất dinh dưỡng, vì vậy, nếu dùng nhiều có thể gây sỏi thận và suy dinh dưỡng.

Theo Báo Đất Việt
Chia sẻ