Sự thật về Nước mắt bào thai: Sốc vì có thể được làm gian dối?
Ở vùng đất xưa nay thịt trâu cũng được kiêng cữ, nên video clip Nước mắt bào thai của nhóm học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế) sau khi phát tán trên mạng đã gây sốc trong dư luận.
Bộ phim đã đoạt giải nhì Liên hoan phim toàn quốc dành cho học sinh VN lần thứ 3 do Đại sứ quán Nhật Bản tại VN tổ chức. Nhóm làm phim Nước mắt bào thai gồm Hoàng Hữu Phước (lớp 12B5), Nguyễn Thị Hồng Liên (lớp 12B6) và Trần Hồ Mỹ Lam (lớp 11A4). Bộ phim dài 3 phút với kết cấu hình ảnh chủ đạo là con trâu đang mang thai, rồi bị con người giết, và lấy chính bào thai mà nó đang mang để phục vụ lại những người phụ nữ đang mang thai.
Sau khi video clip được post lên mạng và được nhiều trang mạng khác dẫn lại, đã tạo ra một cú sốc lớn trong dư luận, nhất là chi tiết các bà bầu sử dụng bào thai làm thực phẩm bồi bổ đã làm nhiều người rùng mình, đặt câu hỏi: Tại sao ở một vùng đất mà cả thịt trâu cũng được kiêng cữ như cố đô Huế, lại có trào lưu xã hội ghê rợn như thế?
Em Hoàng Hữu Phước, thành viên chính của nhóm, cho biết: Ý tưởng của bộ phim hình thành khi một lần trên đường đi học, qua cầu Bạch Yến thì thấy cảnh mua bán bào thai động vật đang diễn ra nên nhóm đã chọn hình ảnh này để viết kịch bản cho bộ phim và đặt luôn nhan đề là Nước mắt bào thai. “Phụ nữ mang thai đều mong muốn con mình sinh ra khỏe mạnh nên họ rất muốn ăn bào thai động vật để bổ thai. Mọi sinh linh đều có sự sống và chúng cần được sống. Chúng em không phản đối chuyện ăn động vật, nhưng kịch liệt phản đối chuyện những người phụ nữ mang thai dùng bào thai động vật để bồi bổ thai mình", Phước nói.
Thâm nhập “lò mổ” trong phim
Để tìm hiểu sự thật về trào lưu “bồi bổ thai bằng bào thai động vật” như các em xây dựng trên phim, PV Thanh Niên đã bí mật thâm nhập lò mổ của Trung tâm Giết mổ gia súc bắc Sông Hương, phường Hương Sơ, TP Huế, thuộc Công ty cổ phần nông ngư súc sản Huế, nơi nhóm làm phim đã thực hiện cảnh quay. Thức suốt gần một đêm trắng quan sát, chúng tôi vẫn chưa chứng kiến được cảnh mổ lấy bào thai nào.
Ông Hồ Xuân Cường, Giám đốc công ty này bức xúc: "Trước đó, khi các em đến liên hệ để quay phim, có giấy giới thiệu của nhà trường, tôi đã tạo điều kiện cho các em hoàn thành công việc. Thế nhưng, sau khi xem video clip phát trên mạng, tôi thực sự ghê sợ bởi những ý tưởng trong phim mà các học sinh này đã xây dựng nên. Sự thật là có beo (tức bào thai - PV) trong quá trình giết mổ trâu, bò. Nhưng đó chỉ là chuyện vô tình, thỉnh thoảng mới gặp một lần, chứ làm chi có chuyện mua bán hay dùng sản phẩm này để bổ thai cho các chị em như đoạn video clip mô tả”.
Theo số liệu cập nhật qua sổ sách, trung bình mỗi ngày trung tâm này giết mổ khoảng 30 - 40 con trâu, bò. Ông Cường cho biết: “Lâu lâu mới gặp một bào thai (chủ yếu là bào thai bò). Khi các em vào quay gặp đúng ngày mổ đụng bào thai, nên mới có những hình ảnh trên. Nếu một bào thai trâu, bò mà bán ra với giá khoảng từ 2 - 3 triệu đồng thì còn có chuyện đó vì hám lợi mà làm, đằng này khi gặp còn phải đem chôn, thậm chí mua hương chuối về cúng trừ xui thì ai dám làm, nhất là người Huế, vùng đất rất tâm linh này. Khi người mua mua một đàn bò, hay trâu, thì họ cứ áp giá cả đàn rồi mua, không may gặp con đang mang thai thì cũng phải giết mổ, chứ biết làm sao”.
Ông Phạm Chữ, một thợ mổ, nói: “Lâu lâu mới gặp một lần nhưng gặp phải thì xui lắm. Khi mổ một con mà trong bụng có bào thai, những người như chúng tôi cũng buộc vào thế phải làm chứ không phải là cố tình”.
Chúng tôi cũng tìm đến chân cầu Bạch Yến, nơi mà các em đã chứng kiến cảnh mua bán bào thai để nảy sinh ý tưởng làm phim. Người phụ nữ bán bánh mì bên chân cầu, phía đường Tăng Bạt Hổ, cho biết: Thực tình thì “beo” không được bày bán công khai mà được cung cấp qua điện thoại nếu có nhu cầu. "Ít người hỏi mua lắm. Mà beo cũng có nhiều đâu mà bán công khai, lâu lâu mới có 1, 2 con chi đó thôi. Beo chủ yếu là dùng cho những người già cần nhiều dinh dưỡng cho cơ thể, chứ phụ nữ mang thai dùng để bổ thai thì chưa thấy, mà chẳng có người mẹ nào đang mang thai lại ăn uống thiếu nhân tính thế đâu", người phụ nữ cho biết.
Một số phụ nữ mang thai khi được hỏi liệu họ có dám ăn bào thai động vật để bổ thai mình hay không, đều phản ứng gay gắt, quyết liệt. Đa số họ đều cho rằng, một người mẹ khi mang thai, họ đều muốn làm điều thiện để mong sinh con ra được khỏe mạnh, hiếu thuận. Người Huế quan niệm, khi mang thai, những hành động từ cách ăn uống, nói năng, đi lại của người mẹ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi và tâm tính của con sau này. Vì thế, chuyện tẩm bổ bằng bào thai trâu bò với họ quả là chuyện xa lạ, quá rùng rợn.
Chuyện giết mổ gia súc thỉnh thoảng gặp phải những con trâu, bò đang mang thai là có thật và đó thực sự cũng chỉ là chuyện tình cờ ngoài ý muốn. Thực sự, ở Huế không hề có trào lưu “dùng bào thai để bồi bổ cho các bà mẹ mang thai” thành một hiện tượng xã hội phổ biến như phim Nước mắt bào thai đã mô tả. Với mong muốn chuyển tải thông điệp “mọi sinh linh đều có quyền thấy ánh sáng mặt trời” các em đã xây dựng nên bộ phim ngắn, về mặt ý tưởng và công sức thực hiện này là điều đáng trân trọng, nhưng thực tế trên phim các em đã quá đà, gây phản cảm và bức xúc không chỉ đối với người dân xứ Huế. Đáng nói là sau khi đoạt giải nhì tại VN, được một số trang mạng ca ngợi, bộ phim ngắn này còn được các em đưa sang Nhật, tham dự một liên hoan phim quốc tế dành cho học sinh. Thế giới sẽ nghĩ gì về đất nước và con người VN qua đoạn phim này? |
Theo Minh Phương
Thanh Niên