Sự thật về bức ảnh “Bữa trưa trên tòa nhà chọc trời" nổi tiếng gần 9 thập kỷ từng khiến nhiều người "đứng tim" khi nhìn
Cách đây 87 năm, có một bức ảnh mang tên “Lunch atop a Skyscraper” của nhiếp ảnh gia Charles C.Ebbets từng làm rúng động nước Mỹ ghi lại hình ảnh ăn trưa của công nhân khi ngồi vắt vẻo trên tòa nhà chọc trời GE ở trung tâm Rockefeller, New York.
Ai cũng biết rằng, New York được xem là thành phố của những tòa nhà chọc trời. Để có những công trình ấy thì công sức xây dựng của những người công nhân là không hề nhỏ đối với nước Mỹ.
Bức ảnh ra đời vào năm 1932, ghi lại hình ảnh 11 người đàn ông đang ăn trưa. Tuy nhiên, địa điểm ăn trưa trong bức ảnh không phải là nơi bình thường mà họ ngồi trên xà ngang, vắt vẻo trên độ cao 256 mét giữa thành phố New York.
Được biết, bức ảnh chụp vào ngày 20/9/1932 trên tầng 69 của tòa nhà chọc trời RCA (sau được đổi tên thành tòa nhà GE vào năm 1986) trong những tháng cuối cùng của quá trình xây dựng. Tuy nhiên, theo các nhà lưu trữ hình ảnh cho biết, bức ảnh này được sắp xếp sẵn. Mặc dù, hình ảnh những người công nhân đang ăn trưa trên xà ngang rất thật, nhưng một số người vẫn tin rằng khoảnh khắc này được trung tâm Rockefeller sắp xếp để quảng cáo cho tòa nhà chọc trời này.
Bức ảnh "Bữa trưa trên tòa nhà chọc trời" từng khiến nhiều người đứng tim khi nhìn.
Bức ảnh này lần đầu tiên được xuất hiện trên tờ New York Herald Tribune vào ngày 2/10/1932. Tuy nhiên, bức ảnh thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Corbis Image. Corbis đã tiết lộ sự thật đằng sau bức ảnh vào năm 2003 và cho rằng lúc đó có khá nhiều người có mặt tại tòa nhà nên không chắc rằng nhiếp ảnh gia Ebbets có thật sự là người chụp bức ảnh này không. Bên cạnh đó, nhiều người còn nhầm lẫn cho rằng tác giả của bức ảnh thật sự là Lewis Hine, một người nổi tiếng vào những năm 1931 với những thước phim tài liệu ghi lại quá trình xây dựng tòa nhà Empire State.
Bộ phim thời sự Men at Lunch (Người đàn ông tại bữa trưa) của hãng phim Seán Ó Cualáin sau đó đã dựng lại cảnh ăn trưa độc nhất vô nhị tại nước Mỹ dựa trên những bức ảnh hiếm có này. Bên cạnh việc tò mò về tác giả thật của bức ảnh, nhiều người cũng tò mò về danh tính của các công nhân có mặt trong bức ảnh.
Tập đoàn Corbis đã cố gắng điều tra nhưng cũng không thể biết chính xác họ là ai. Nhưng nhiều người thân của những công nhân trong bức ảnh đã khẳng định rằng, đại đa số họ đều là những người di cư tới từ Ireland.
Người đàn ông đầu tiên từ bên trái qua là công nhân Slovakia tên Gusti (Gustáv) Popovič đến từ ngôi làng ở Vyšný Slavkov, quận Levoča, thuộc miền đông Slovakia. Gusti vốn là một thợ mộc. Năm 1932, anh đã gửi đến người vợ của mình một tấm bưu thiếp kèm theo hình ảnh này với lời nhắn: "Đừng lo lắng cho anh, em yêu Mariska. Như em thấy đó, anh vẫn ở đó với chai rượu mà".
Gusti đã trở lại làng Vyšný Slavkov khi bắt đầu thế chiến thứ 2 và trở thành một nông dân. Khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, Gusti đã bị giết bởi quả lựu đạn ngay tại ngôi làng. Ngôi mộ của Gusti và vợ Mariška được đặt cạnh nhau tại nghĩa trang làng Vyšný Slavkov.
Người đàn ông thứ 3 từ phải qua tên Joe Curtis. Người đàn ông thứ 4 là Michael Rafferty đến từ Ireland ngồi cùng với người bạn thân nhất đời, và kế bên phải cũng là người đàn ông đến từ Ireland tên Stretch Donahue.
(Nguồn: Thevintagenews)