Sự thật ít ai biết về làng bí đao "khổng lồ" ở Bình Định, có quả nặng tới 80kg 2 người khiêng mới xuể
Tại khu làng này, có nhiều hộ gia đình trồng những quả bí đao khổng lồ có trọng lượng 50-60kg, thậm chí có quả nặng tới 80kg phải 2 người khiêng mới xuể.
Tại Bình Định, tồn tại một vùng đất màu mỡ nổi tiếng với nghề trồng bí đao khổng lồ, nghề này đã được nhiều thế hệ trong gia đình gìn giữ và phát triển. Những người yêu du lịch Bình Định không ai là không biết đến làng trồng bí đao ở bàu Chánh Trạch, thuộc thôn Chánh Trạch 1, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Đặc sản nổi tiếng của nơi đây là những quả bí đao "khổng lồ" nặng tới 50-60kg, thậm chí có quả nặng tới 80kg phải vài người khiêng mới xuể.
Ảnh: Hoàng Nông Nghiệp
Vùng đất của những quả bí đao khổng lồ
Những quả bí đao ở đây không giống như những quả nhỏ chỉ nặng từ 1 đến vài kg thường thấy ở các khu chợ. Chúng to lớn đến nỗi trở thành điểm nhấn thu hút du khách từ khắp nơi tới tham quan. Nhờ vào đất đai phì nhiêu của địa phương, những quả bí đao khổng lồ này thường được thu hoạch vào khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5 hàng năm.
@gaukute2011
Bí đao mọc theo giàn lúc lỉu những quả trên cao, giàn bí đao của người dân Chánh Trạch cũng theo phương thức đó nhưng hẳn phải gia cố cực kỳ chắc chắn mới chịu nổi. Không những vậy, vì quả to nên mỗi dây chỉ giữ chừng 1 đến 2 quả để đảm bảo dinh dưỡng. Điều đặc biệt là người dân còn chuẩn bị bện dây để đỡ quả trên giàn, chính vì thế giàn bí được theo dõi liên tục để đảm bảo bí không bị hỏng.
Không ít khách du lịch tò mò đặt chân đến đây để tận mắt nhìn, tận tay sờ vào những quả bí láng mịn khổng lồ ôm một vòng tay không hết ấy. Người dân ở bàu Chánh Trạch cho biết nghề trồng bí ở đây không ai biết có từ khi nào, chỉ biết bao đời ông cha cứ thế nối tiếp. Cũng vì nhiều nhà trồng bí đến 4 đời nên đây cũng được coi là nghề truyền thống của cả vùng.
@lehoangthanh.93
Những quả bí đao khổng lồ này để cả năm chẳng lo hư hỏng, bởi vậy khi thương lái mua xong, nhiều nhà vẫn giữ lại bí để bán cho các nhà sản xuất mứt dịp Tết. Mỗi năm chỉ có một vụ bí, sau khi thu hoạch, người dân sẽ chọn quả già đanh nhất lấy hạt, rửa sạch và phơi khô để làm giống gốc cho mùa vụ sau. Bí đao khổng lồ được thương lái thu mua sản xuất bí, nấu nước sâm và thực tế thì nấu canh cũng rất ngọt mát, đậm đà.
@thodiaquynhon
Khi hình ảnh những quả bí đao khổng lồ được chia sẻ lên mạng xã hội, không ít người tỏ ra thích thú và cũng có người cho biết ở các vùng quê khác cũng có giống bí bộp quả to như vậy, thậm chí còn có giống bí to của Trung Quốc. Tuy nhiên, bí khổng lồ ở bàu Chánh Trạch vẫn đặc biệt hơn cả, vì chúng "uống" long mạch nơi này mà lớn.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương
Sự thật về những quả bí nặng cả tạ
Người ta thường nói, có lẽ thiên nhiên ưu đãi cho người dân nơi đây mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng được giống bí đao khổng lồ mà không phải nơi nào cũng có. Đặc biệt vào mùa trầm thủy, bàu Chánh Trạch càng "lộ rõ" vẻ trù phú của mình.
Nguồn phù sa màu mỡ ở Chánh Trạch dường như được núi Ô Phi cất giữ. Khi mùa nước về, nguồn nước từ núi Ô Phi đổ về đến bàu lại dịu dàng hiếm thấy, dòng phù sa như được níu lại để bồi đắp cho vùng đất này, còn dòng nước cứ thế chảy ra Đề Gi để xuôi về biển.
Truyền thuyết xưa kia kể rằng núi Ô Phi tại đây chính là hình ảnh của con quạ đen tung cánh bay đậu về phía Tây, trong khi đó, một con rồng oai vệ nằm về hướng Đông. Một người khổng lồ trong huyền thoại đã từng khuân vác hai ngọn núi khổng lồ nhằm lấp biển, chặn dòng của thủy quái khổng lồ, nhưng không may đã bị vấp ngã, khiến cho hai ngọn núi rơi xuống, tạo nên hình dáng của Mũi Vi Rồng và Bãi Sau, giống như hình ảnh của một con rồng đang yên nghỉ. Ngọn hải đăng cổ kính được xây dựng sau này như một ngọn đèn muôn đời, thắp sáng đôi mắt của con rồng uy nghi nhìn ra biển cả mênh mông.
Chia sẻ với báo Công an nhân dân, ông Nhữ Xuân Nhân, khi ấy là trưởng thôn Chánh Trạch 1 cho biết, xưa kia bàu là con sông lớn, sau này bị bồi lấp. Người dân khi đào giếng vẫn bắt gặp xác tàu mục hoặc vỏ sò. Cho nên, bàu vẫn là nơi trũng thấp, mỗi mùa con nước về, phù sa lại tiếp tục bồi thêm màu mỡ cho nơi này.
Bởi ở bàu Chánh Trạch không chỉ có bí đao khổng lồ mà nông sản ở đây thứ gì cũng ngon và đậm đà. Trước kia, bí đao quả nào quả nấy nặng cả tạ, cùi dày và thơm. Điều đặc biệt, dù nhiều người đến xin giống về trồng cũng không thể nào ra quả to như được ở bàu Chánh Trạch.
Ở nơi đây, còn nhiều đặc sản nức tiếng khác như gạo nếp, rượu và cả cá diếc. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay đến mùa bao la những hạt nếp ngậm sữa chắc mẩy. Nếp ở đây ngon, dẻo và thơm lạ. Cũng kỳ lạ, giống với bí đao, giống nếp này mang đến vùng đất khác trồng thì không còn mùi thơm như vậy nữa.
Không chỉ vậy, cá diếc được uống nước mạch ngầm nơi đây cũng có vị ngon đặc biệt được người dân khẳng định "không nơi nào bằng". Từ khoảng tháng 10 đến tháng Chạp, mùa nước trở lại, cá diếc sinh trưởng mạnh. Gỏi cá diếc lúc này ăn vừa tươi lại ngon, xương mềm rục, trong khi cá nấu lên xương lại đanh hơn.