Sự thật hạt hướng dương có chất gây hại não
Thông tin 7 loại hướng dương Trung Quốc chứa hàm lượng nhôm, phèn chua và bột talc gây teo não, đãng trí, ung thư,... khiến người dân lo sợ.
Phải xác định rõ ràng chất gây độc
Trước thông tin trên, GS.TS Bùi Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam cho hay, có thể các chất này có trong hướng dương rang sẵn để tăng thời gian bảo quản đồng thời giữ cho hạt giòn, bóng đẹp và thơm ngon. Với hạt hướng dương đạt tiêu chuẩn là phải đảm bảo sạch, tức là hạt nguyên chất, được rửa sạch và rang và khi đó nếu như cho vào hạt sống thì cũng ít bị ảnh hưởng.
Ở đây có nói là chất gây độc hại là nhôm, phèn chua và bột tacl nhưng không rõ ràng nhôm trong phèn chua hay nhôm nguyên chất, có thể là nhôm trong phèn chua. Bởi nhôm thường có trong phèn, gồm hai loại: Phèn đơn (nhôm sunfat) và phèn kép (nhôm kali, nhôm amoni sunfat) hoặc dung dịch phèn nước (thông thường là dung dịch phèn nhôm sắt). Các loại phèn kép - một dạng muối vẫn được dùng trong chế biến và bảo quản thực phẩm ở dạng tinh khiết.
Tuy nhiên, muối kali nhôm sunfat và amoni nhôm sunfat tinh khiết được phép xử có giá thành rất đắt nên nhiều khả năng người ta sử dụng là muối công nghiệp giá thành rẻ và gây hại. Nếu dùng các chất công nghiệp này cho vào hại hướng dương mới gây xúc tác, làm biến chất gây nguy hại cho sức khoẻ. Vì vậy, theo GS.TS Bùi Minh Đức, nên mua hạt hướng dương sống về rửa sạch, phơi khô rồi rang.
Hạt hướng dương (Ảnh minh họa)
ThS Vũ Quốc Trung, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn sinh vật gây hại, Viện Công nghệ sau thu hoạch cho biết, kali nhôm sunfat và amoni nhôm sunfat là phèn chua có tác dụng chống vi khuẩn, nấm mốc, hòa tan trong nước thường được dùng để lọc nước, thành dạng keo lắng xuống dưới. Chất này ở hàm lượng cho phép không gây hại cho sức khoẻ. Trước đây, người ta thường dùng kali nhôm sunfat cho vào bột bánh cuốn, bánh dẻo, để làm tăng độ giòn, độ dẻo.
Vì vậy, người dân chớ nên quá hoang mang mà cái chính ở đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng cần phải có kiểm định để biết chất nhôm trong hạt hướng dương là loại hóa chất nào mới có thể khẳng định độ độc hại. Bởi có một số hóa chất có thành phần nhôm vẫn được phép sử dụng trong thực phẩm, đồng thời cũng có một số chất nhôm gây độc hại cho cơ thể như teo não, ung thư, suy giảm trí nhớ... Nhưng độc hại đến đâu còn tùy thuộc vào hàm lượng chất đó có trong thực phẩm và số lượng thực phẩm người tiêu dùng đã sử dụng.
Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm cho biết, trong sản xuất và chế biến thực phẩm thì Bộ Y tế đã cho phép sử dụng 2 loại là Kali nhôm sunfat và Amoni nhôm sunfat trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng nhóm thực phẩm như rau đóng hộp, đóng chai (đã thanh trùng) hoặc đóng túi (bao gồm nấm, rễ, thực vật thân củ và thân rễ, đậu, đỗ, lô hội) và tảo biển, cá và sản phẩm thủy sản rán hoặc nấu chín... Bột talc được sử dụng trong nhiều trong sữa bột, cream bột (nguyên chất)...
Chỉ một lượng nhỏ nhôm đã gây hại
Các chuyên gia cho biết, nhôm là một trong ít các nguyên tố phổ biến nhất mà không có chức năng có ích nào cho các cơ thể sống nên chỉ cần một lượng nhỏ có thể gây độc, thậm chí một số người bị dị ứng với nó khi tiếp xúc với các dạng khác nhau của nhôm: Do dùng các chất làm se da hay hút mồ hôi (phấn rôm), rối loạn tiêu hóa khi ăn thực phẩm nấu trong nồi nhôm, nôn mửa hay các triệu chứng khác của ngộ độc nhôm do ăn (uống) hoặc các thuốc như Kaopectate® (thuốc chống tiêu chảy), Amphojel® và Maalox® (thuốc chống chua)...
Nguyên nhân nhôm gây teo não, ung thư... là do bình tế bào thần kinh không có ion nhôm. Nếu trong thức ăn, nước uống có ô nhiễm ion nhôm, các ion nhôm có ái tính với các tế bào thần kinh, tích tụ tại đó và làm cho tế bào thần kinh não bị biến tính, dẫn tới chứng "lú lẫn", (ngớ ngẩn). Biểu hiện là trí nhớ giảm sút, phản ứng trì trệ, trí năng giảm, cử động chậm chạp, cười khóc bất thường. Ngộ độc nặng có thể dẫn tới hôn mê, nhẹ gây chán ăn, mệt mỏi, khó chịu, đầu óc choáng váng. Đặc biệt, khi vào cơ thể, nhôm có thể gây biến đổi hoạt tính protein của các men trong cơ thể gây ung thư...Ngày 27/2/2013, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã gửi công văn số 306/ATTP-PC yêu cầu Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tiến hành lấy mẫu và kiểm tra hạt hướng dương trên thị trường (đặc biệt đối với loại hạt đã chế biến nhập từ Trung Quốc).