Sự thật gây phẫn nộ phía sau bức ảnh em bé bị dì ghẻ hành hạ vì ăn cắp vặt
Cách đây vài ngày, những bức ảnh ghi lại cảnh tượng 1 cậu bé bị dì ghẻ tra tấn dã man vì đã ăn cắp đã được chia sẻ rộng rãi trên cộng đồng mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, sự việc gây phẫn nộ này đã xảy ra tại Thái Lan vào tháng 3/2015.
Những hình ảnh về cậu bé bị tra tấn, đánh đập một cách dã man ngay từ khi vừa xuất hiện trên mạng xã hội đã thu hút hàng trăm nghìn lượt thích, chia sẻ và bình luận. Hầu hết mọi người đều tỏ ra vô cùng phẫn nộ và lên án hành vi bạo hành trẻ em.
Hình ảnh cậu bé bị bạo hành đăng tải trên một tài khoản Facebook chỉ trong 1 ngày qua thu hút tới hơn 30.000 lượt like, hơn 4.000 lượt share và gần 7.000 comments chia sẻ. - (Ảnh chụp màn hình)
Những hình ảnh vô cùng thương tâm được đăng lên cùng dòng chia sẻ: " Dì ghẻ hành hạ con chồng vì tội ăn cắp vặt, bị bỏ đói nên bé mới làm vậy. Sau mỗi cuộc chia li sau "hạnh phúc" của cha mẹ là gì? Là sự ám ảnh và nỗi đau mà con cái họ sẽ nhận được"...
Ngay sau khi được chia sẻ, hàng nghìn cư dân mạng tỏ ra vô cùng phẫn nộ và bức xúc. Hầu hết mọi người đều cho rằng đây là những hình ảnh xảy ra tại Việt Nam nên rất tức giận và mong muốn mọi người cùng chia sẻ hình ảnh đau thương để pháp luật sớm tìm ra cậu bé và người mẹ kế ác độc kia.
"Xem ảnh mà xót xa quá, con mình cũng bằng từng ấy tuổi, còn đang đi học. Mình chăm nó từng li từng tý một nên nhìn cảnh này đau lòng quá đi thôi, tại sao lại có người nhẫn tâm đến như vậy?" , một cư dân mạng bức xúc.
"Không thể để tình trạng bạo hành diễn ra như vậy được. Cầu mong mọi người hãy cùng like, cùng share để pháp luật sớm tìm ra và cứu lấy em, và đồng thời người dì ghẻ kia cũng phải bị trừng trị một cách thích đáng" , một người khác lên tiếng.
Nhiều cư dân mạng tỏ ra thương xót và lên án hành động nhẫn tâm này.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, chúng tôi đã nhanh chóng phát hiện ra đây hoàn toàn không phải là hình ảnh tại Việt Nam mà là ở Thái Lan vào tháng 3. Vào thời điểm đó, dư luận nước này cũng đã vô cùng phẫn nộ trước hành vi tàn độc và dã man đối với cậu bé này. Thông tin và hình ảnh vụ việc được đăng tải trên các báo địa phương suốt thời gian đó.
Thông tin về em bé được đăng tải trên báo Thái Lan từ tháng 3/2015 - (Ảnh chụp màn hình)
Qua tìm hiểu, được biết, vào ngày 17/3, lực lượng chức năng tại Thái Lan đã tìm thấy cậu bé trong tình trạng bị bạo hành, chân tay bị trói vào cột, bị bỏ đói và không được phép đi vệ sinh. Cơ thể cậu bé này có dấu hiệu bị tổn thương nặng nề. Cảnh sát đã phục kích và cứu thoát cậu bé thành công rồi đưa vào bệnh viện để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
Cậu bé đã được đưa đến bệnh viện để giám định tình trạng thương tật.
Chưa dừng lại, 1 trong 3 bức ảnh được đăng lên mạng xã hội là của một em bé bị bệnh khô da sắc tố ở Hòa Bình chứ hoàn toàn không phải là do bị đánh đập hay tra tấn.
Bức ảnh mà cô gái đăng lên cho rằng đây là cậu bé bị bạo hành dã man thực chất là ảnh của một bệnh nhân mắc chứng khô da sắc tố ở Hòa Bình.
Đây không phải là lần đầu tiên những người dùng mạng ở Việt Nam chia sẻ những thông tin gây hoang mang như vậy. Vào ngày 22/9, một bức ảnh chụp lại cảnh một người đàn ông bị trương phình nằm chờ chết vì hút thử shisha pen được chia sẻ trên facebook khiến nhiều người rùng mình. Thế nhưng qua tìm hiểu, đây lại là hình ảnh được chụp ở Campuchia và đây là một du lịch người Úc được phát hiện tử vong trong khách sạn sau khi lên cơn đau tim.
Trước đó, hình ảnh cậu bé bị dúi đầu vào chum nước tiểu vì ăn trộm dừa được chia sẻ rầm rộ vào ngày 22/6 cũng khiến cư dân mạng phẫn nộ để rồi sau đó nhờ thông tin báo chí xác minh, nhiều người mới biết được sự thật vụ việc không hề xảy ra ở Việt Nam. Đặc biệt câu chuyện về bức ảnh em bé bị trói và nhét vào thùng các-tông cũng đã dấy lên dư luận nhiều ý kiến trái chiều.
Đã quá nhiều trường hợp cảnh báo về thói quen share không có ý thức khiến cho cộng đồng mạng và dư luận xã hội hoang mang, lo lắng. Có lẽ người dùng mạng ở Việt Nam cần tỉnh táo hơn trong mỗi nút like, share của mình bởi những thông tin trên mạng xã hội chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng được kiểm chứng và có tác dụng cảnh báo thực sự.