Sử dụng xương sống của trẻ em để làm quai túi xách, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng bị cộng đồng mạng "đánh sập" tài khoản
Mặc dù giới truyền thông không có bằng chứng để xác nhận đó chính là xương sống thật, nhưng một số chuyên gia nói với Insider rằng họ tin đó là hàng thật.
Theo báo cáo của Insider, nhà thiết kế thời trang người Indonesia Arnold Putra đã bị cáo buộc bán một chiếc túi xách làm từ vật liệu mà bạn không bao giờ ngờ tới, đó chính là lưỡi cá sấu và xương sống của trẻ em.
Dựa trên bài đăng trên tài khoản Instagram của người này vào năm 2016, chiếc túi được làm từ lưỡi cá sấu và quai túi được làm từ xương sống của một đứa trẻ. Hiện tại, chiếc túi này đang được rao bán ở các trang bán hàng trực tuyến với giá 5000 USD (khoảng 120 triệu đồng).
Mặc dù giới truyền thông không có bằng chứng để xác nhận đó chính là xương sống thật, nhưng một số chuyên gia nói với Insider rằng họ tin đó là hàng thật.
Chiếc túi này đã được đăng tải lần đầu vào năm 2016, nhưng chỉ gần đây nó mới khiến người ta chú ý khi một tài khoản Twitter đã đăng tải lại. Chẳng mấy chốc, cư dân mạng bắt đầu báo cáo tài khoản Instagram của Arnorl Putra và các nhà phân phối sản phẩm của anh. Hầu hết mọi người đều đặt câu hỏi chất liệu này đến từ đâu và tại sao anh lại biến xương sống của một người thành túi xách.
Sau khi bài đăng của Arnold Putra gây ra sự phẫn nộ lớn trong cộng đồng mạng, anh nói với Insider rằng chiếc xương sống đó có nguồn gốc từ Canada và có đầy đủ giấy tờ. Anh nói đoạn xương này là của một công ty được cấp phép nhận các mẫu vật do con người tặng cho y học và bán chúng ra bên ngoài. Arnold từ chối tiết lộ thêm thông tin về công ty này.
Arnold Putra cũng cho biết chiếc túi này là một phần trong bộ sưu tập với các vật liệu chưa từng có trong ngành may mặc. Đối với lưỡi cá sấu, Putra cho biết chúng là sản phẩm phụ trong ngành công nghiệp thịt và da cá sấu. Anh nói: "Phải mất một thời gian thử nghiệm để làm cho chiếc lưỡi trở nên phẳng và đủ dẻo dai."
Vào năm 2016, National Geographic đã báo cáo rằng hiện tại có một số giao dịch hợp pháp về xương người tại khu vực Hoa Kỳ và Canada. Và câu chuyện này là bằng chứng cho thấy chúng bị sử dụng bất hợp pháp cho ngành phụ kiện thời trang.
Dựa trên những bức ảnh đăng tải trên trang Instagram của Arnold Putra có thể thấy nhà thiết kế thời trang này có một lối sống xa hoa. Năm 2017, anh được Tatler Indonesia mô tả là một trong những "nhà sưu tập xe hơi khủng nhất Indonesia".
Hiện nay chiếc túi và số điện thoại của nhà phân phối đã bị gỡ khỏi trang web của công ty sau khi bài đăng trên Twitter gây được sự chú ý. Đồng thời, tài khoản Instagram của Arnold Putra cũng đã bị "đánh sập".
(Theo Insider)