Sự cố bi thảm tàu thám hiểm Titan: 5 hành khách ký giấy miễn trừ trách nhiệm, các gia đình khó kiện

Phương Thảo/VTC News,
Chia sẻ

Vụ nổ của con tàu ngầm Titan được chính thức xác định vào ngày 22/6 và làm dấy lên câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm về thảm họa này?

Liên quan đến sự cố mất tích và nổ tàu lặn thám hiểm Titanic, có nhiều giả định được đưa ra cho rằng OceanGate Expeditions, công ty chủ quản vận hành tàu Titan, sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra với 5 hành khách - bao gồm cả Giám đốc điều hành của OceanGate Stockton Rush, người giữ vai trò hoa tiêu của tàu. Song các thủ tục pháp lý xung quanh Titan dường như đang làm phức tạp thêm tình hình.

OceanGate là công ty chuyên nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ du lịch mạo hiểm dưới đại dương có trụ sở tại Washington. Công ty là chủ sở hữu của tàu lặn Titan mất tích khi đưa 5 hành khách đi tham quan xác tàu Titanic ở dưới đáy Đại Tây Dương.

Việc tuân thủ luật an toàn quốc tế của công ty cũng là một vấn đề phức tạp và còn nhiều kẽ hở. Đáng nói, trước khi bắt đầu chuyến thám hiểm biển sâu “định mệnh” đầy nguy hiểm, OceanGate đã yêu cầu cả 5 hành khách của mình ký vào các tờ đơn miễn trừ trách nhiệm, kể cả trường hợp họ tử vong.

Sự cố bi thảm tàu thám hiểm Titan: 5 hành khách ký giấy miễn trừ trách nhiệm, các gia đình khó kiện - Ảnh 1.

Tất cả các hành khách trên tàu ngầm Titan được yêu cầu ký giấy miễn trừ trách nhiệm đối với Oceangate, trong đó có đề cập đến nguy cơ tử vong. (Ảnh: OCEANGATE)

Salvatore Mercogliano, Phó giáo sư lịch sử hàng hải tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina cho biết, không giống như các loại tàu hay phương tiện hàng hải khác, chính quyền không kiểm soát những tàu lặn thám hiểm như Titan.

“Những tàu ngầm như Titan không yêu cầu phải đăng ký tại một quốc gia nhất định, do đó nó sẽ tuân theo các luật cụ thể được điều chỉnh bởi các công ước quốc tế, chẳng hạn như Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) được ban hành sau vụ chìm tàu Titanic" , ông Mercogliano nói.

Ông Mercogliano cho biết thêm, thông thường, các tàu lặn sẽ phải tuân thủ Đạo luật An toàn tàu chở khách ở Mỹ (1993), tuy nhiên tàu OceanGate lại là trường hợp ngoại lệ vì nó đang hoạt động ở vùng biển quốc tế.

Tại Mỹ, một số cơ quan lặn như Cục Vận chuyển Hoa Kỳ có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giám sát phân loại tàu lặn - một quy trình đảm bảo với các chủ tàu, công ty bảo hiểm và cơ quan quản lý rằng các tàu được thiết kế, xây dựng và kiểm tra theo các tiêu chuẩn được chấp nhận. Theo Newsweek , nhiều tàu lặn của OceanGate được phân loại hợp lệ, tuy nhiên, Titan thì không.

Theo sự thừa nhận của chính OceanGate, Titan quả thực không được phân loại. Công ty viết trên trang web của mình: "Khi OceanGate được thành lập, mục tiêu của chúng tôi là theo đuổi mức độ đổi mới hợp lý cao nhất trong thiết kế và vận hành tàu lặn có người lái. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là OceanGate đáp ứng các tiêu chuẩn mà ngành hàng hải áp dụng bởi sự đổi mới của chúng tôi nằm ngoài mô hình ngành hiện có."

OceanGate sẽ bị kiện?

Theo các chuyên gia pháp lý, gia đình các nạn nhân có thể sẽ gặp khó khăn trong việc kiện công ty do tất cả hành khách đi trên tàu đều được yêu cầu ký vào giấy miễn trừ, trong đó nêu rõ nguy cơ tử vong trong chuyến thám hiểm.

Kenneth Abraham, giáo sư luật nổi tiếng tại Đại học Virginia (Mỹ) cho biết, các luật hàng hải liên bang sẽ quyết định liệu các miễn trừ có hợp lệ hay không. Tuy nhiên, ở hầu hết các tiểu bang tại Mỹ, việc miễn trừ sẽ có hiệu lực trong tình huống này và tùy thuộc vào cách diễn đạt của họ, việc miễn trừ cũng sẽ ràng buộc các gia đình.

"Các miễn trừ có thể sẽ không áp dụng cho các nhà sản xuất tàu lặn. Các nhà sản xuất có thể sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm nếu họ gây ra bất kỳ trục trặc nào, mặc dù điều đó cũng phụ thuộc vào cách diễn đạt của họ” , ông Abraham cho hay.

Luật sư về thương tích cá nhân của Los Angeles, Miguel Custodio, đồng sáng lập của Custodio và Dubey LLP, nói với Daily Mail rằng cách duy nhất để các gia đình có thể kiện OceanGate là họ phải chứng minh được vụ việc là kết quả của sự bất cẩn của một thành viên phi hành đoàn.

Trong khi đó, luật sư Sherif Edmond El Dabe, một đối tác của El Dabe Ritter Trial Lawyers cho rằng "cơ hội để các thành viên gia đình của hành khách khởi kiện thành công OceanGate gần như bằng không bởi họ đã cố tình tham gia vào một hoạt động cực kỳ nguy hiểm và đồng ý chấp nhận rủi ro lớn".

Theo các báo cáo, giấy miễn trừ có chữ ký của hành khách đề cập rõ ràng rằng con tàu đang "thử nghiệm", "không được phê duyệt hoặc chứng nhận bởi bất kỳ cơ quan quản lý nào và có thể dẫn đến thương tích về thể chất, chấn thương tinh thần hoặc tử vong".

Tàu Titan của OceaGate có được bảo hiểm?

Phó giáo sư Mercogliano nói rằng ông tò mò muốn biết công ty nào đã bảo hiểm cho OceanGate bởi “thông thường công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu một tổ chức tiến hành phân loại phương tiện để đảm bảo rằng tàu lặn đáp ứng tất cả các yêu cầu trước khi bảo hiểm cho họ."

Ông nói thêm: “Câu hỏi về trách nhiệm pháp lý được đặt ra không chỉ đối với OceanGate mà còn đối với nhà điều hành tàu mẹ, Polar Prince, vì tàu đó được gắn cờ và có trụ sở tại Canada”.

OceanGate hiện chưa chia sẻ công khai bất kỳ thông tin nào về công ty nào đang bảo hiểm cho mình.

Dấu chấm hết cho một thương hiệu

Andy Barr, một chuyên gia về thương hiệu và quan hệ công chúng tại 10Yetis.co.uk cho rằng, vụ nổ con tàu dẫn đến cái chết của cả 5 hành khách trên tàu báo hiệu “sự kết thúc của thương hiệu OceanGate”.

"Quá nhiều điều trước đây được nhắc tới, thương hiệu này bị cáo buộc và cố tình bỏ qua nhiều vấn đề. Sau kết luận về vụ nổ cùng với tất cả các thông tin được tiết lộ từ trước đó, lựa chọn duy nhất của OceanGate là bán thương hiệu và tài sản của mình cho một công ty khác hoặc đổi thương hiệu hoàn toàn – dù việc này cực kỳ khó xảy ra và không thực tế” , bà Barr nhấn mạnh.

Sự cố bi thảm của tàu lặn Titan sau bốn ngày mất tích sẽ có tác động cực kỳ lớn đến ngành công nghiệp thám hiểm biển sâu. Theo các chuyên gia, tất cả các công ty thám hiểm biển sâu hiện sẽ khẩn trương rà soát lại các quy trình của họ và đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo các kế hoạch truyền thông về khủng hoảng của họ.

"Chúng ta phải nhớ rằng bản chất của hoạt động thám hiểm biển sâu tiềm ẩn rủi ro cố hữu tự nhiên, bởi vậy các công ty trong lĩnh vực này phải có trách nhiệm đảm bảo rằng họ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để đảm bảo an toàn của nhân viên và hành khách”, bà Andy Barr nói.

 (Nguồn: Newsweek)

Chia sẻ