[Review phim] Sông Tô Châu: Có phải nếu không được “yêu”, chúng ta sẽ “chết”?
Không chỉ là bộ phim đầu tiên đưa cái tên Châu Tấn vụt sáng thành một trong Tứ đại hoa đán của điện ảnh Trung Hoa, Sông Tô Châu còn là một khúc đoạn trường day dứt đau lòng về ba chuyện: “yêu”, “sống” và “chết”.
“Tôi đang chết, như cách mọi người đang sống” – Đó là câu kết mà Haruki Murakami đã dùng để khép lại “Biên niên ký chim vặn dây cót”. Khi ấy, tôi không hiểu hết câu văn đầy ám ảnh ấy đang giãy giụa muốn nói điều gì. Cho đến khi xem Sông Tô Châu.
Sông Tô Châu (2000) là một trong những bộ phim điện ảnh độc lập đầu tay xuất sắc nhất của đạo diễn thế hệ thứ sáu Lâu Diệp - người vẫn được mệnh danh là con người bí ẩn của điện ảnh Trung Quốc, với cá tính nghệ thuật rất quyết liệt và những bộ phim càng bị cấm chiếu lại càng nổi tiếng. Đây cũng là bộ phim đánh dấu lần đầu tiên đảm nhiệm vai chính trên màn ảnh rộng của Châu Tấn. Với phần thể hiện ngoạn mục đồng thời hai nhân vật có tính cách trái ngược nhau - Mẫu Đơn và Mỹ Mỹ, đã đem về cho cô vô vàn giải thưởng, khẳng định một điều không cần bàn cãi thêm: Châu Tấn sinh ra là để diễn xuất!
Mẫu Đơn trong sáng khó tin...
hay Mỹ Mỹ lạc lõng, bất cần đều được Châu Tấn thể hiện trọn vẹn
Bối cảnh của Sông Tô Châu là cuộc sống ảm đạm, mông lung không lối thoát của những người trẻ tuổi trong góc khuất nơi thành phố Thượng Hải hoa lệ, bên dòng Tô Châu đục ngầu vì ô nhiễm, thay vì là nơi thanh cảnh, hữu tình như nhiều bài thơ cổ vẫn ngợi ca. Phim đã rất thành công trong việc khắc họa hình ảnh những cuộc đời nổi trôi vờ vật trong thành phố, kết hợp với khung cảnh rác rưởi trên dòng Tô Châu, cùng với cách quay phim không giống ai (máy quay đặt trực tiếp trong tay nhân vật “tôi”, cảnh quay rung chuyển liên tục theo những bước đi và điểm nhìn của nhân vật), tạo ra một bầu không khí phim bí bách đến ngạt thở. Trong bầu không khí ấy, có những kiếp người khao khát yêu, khao khát sống đến mức, sẵn sàng chết.
Bức bối, ảm đạm...
...lẫn trong màu nhờ nhờ của rác thải, của những kiếp người vật vờ chính là cảm nhận về dòng Tô Châu
Từ chuyện “yêu” trong phim và trong đời
Phàm khi nhắc đến chuyện “yêu”, có ai mà không hứng thú? Có ai mà không muốn “yêu”? Mẫu Đơn hay Mỹ Mỹ cũng vậy, “tôi” cũng vậy mà Mã Đạt càng vậy. Mẫu Đơn là một cô gái thuần khiết, ngây thơ, tóc thắt bím, đồng phục học sinh, vui thì cười mà buồn thì khóc. Mỹ Mỹ là một cô gái đẹp, trải đời, điên khùng, bất cần, đóng vai nàng tiên cá để mua vui cho thiên hạ ở một quán bar. “Tôi” là thợ chụp ảnh dạo, si mê Mỹ Mỹ. Mã Đạt là chàng trai dành cả cuộc đời đi tìm kiếm cô gái Mẫu Đơn anh đã yêu, mà cũng đã lừa dối năm nào. Nói thế để thấy, nhân vật trong Sông Tô Châu, ai cũng ôm ấp một mối tình cho cuộc đời của họ, dù khác nhau về hình hài, về nhận thức, về cả câu chuyện.
Chuyện tình yêu, có khi đơn giản thế này "Hai người không quen biết ngồi cùng nhau. Sau đó thì sao? Sau đó, đương nhiên là yêu nhau." Mọi sự gặp gỡ đều là tình cờ, nhưng đã “ngồi cùng nhau” thì tình cờ chẳng may lại thành cố ý. Không có nguyên nhân lãng mạn, chỉ có những kẻ lãng mạn chân chính mới hiểu được. Mã Đạt tình cờ gặp Mẫu Đơn khi cha cô thuê anh đưa cô đến nhà họ hàng để ông tự do khuất mắt tằng tịu với nhân tình. “Tôi” thì tình cờ gặp Mỹ Mỹ khi nhận lời chụp nàng tiên cá ở quán bar.
"Hai người không quen biết ngồi cùng nhau. Sau đó thì sao? Sau đó, đương nhiên là yêu nhau."
Tình yêu được khắc họa trong Sông Tô Châu bằng một giọng kể lạnh băng và vô cảm. Dù thế, cũng không che giấu đi được sức sống nội tại mãnh liệt của nó trong từng thước phim. Người ta sẽ không thể nào quên được hình ảnh Mẫu Đơn vui sướng cầm con búp bê và chai rượu trộm của bố mình leo lên xe Mã Đạt trong ngày sinh nhật, dầm mưa tầm tã khóc trước cửa nhà anh khi anh không chịu gặp cô. Cũng không thể quên được cảnh Mỹ Mỹ bỏ đi rồi lại trở về với “tôi” để “tôi” ngắm nhìn cô trên phố, dù biết có thể cô sẽ không trở về.
Mẫu Đơn chạy đến tìm Mã Đạt trong đêm mưa khi anh từ chối gặp mặt
Tất cả họ yêu mãnh liệt, nhưng đều mãnh liệt một cách đau khổ. Mẫu Đơn yêu mãnh liệt một cách thuần khiết, tin tưởng, nên khi nhận ra sự lừa dối của người yêu, cô nhảy xuống sông Tô Châu, tự vẫn. Mã Đạt yêu mãnh liệt, nên khi nhận ra mình đã đẩy người yêu xuống dòng Tô Châu, anh dành cả đời mải miết đi tìm cô như một kẻ ngu si tình nguyện chốn nhân gian. Mỹ Mỹ yêu mãnh liệt, nên cô thán phục tận hưởng câu chuyện của Mã Đạt khi anh nhận nhầm cô là Mẫu Đơn, đồng ý làm tình với anh chỉ vì muốn mình được là Mẫu Đơn để một lần sống trong tình yêu hết mình của Mã Đạt.
Mỹ Mỹ làm tình với Mã Đạt và hỏi anh: "Có giống Mẫu Đơn của anh không?"
Duy chỉ có “tôi” là không yêu mãnh liệt. Nhân vật “tôi” như một chủ thể đại diện cho sự lặng lờ của dòng Tô Châu. Anh có yêu Mỹ Mỹ, nhưng anh không bao giờ giữ được chân Mỹ Mỹ bằng tình yêu của mình. Anh biết điều đó, nên anh đã luôn chụp lại mọi bức ảnh về cô, trong anh có sẵn một dự cảm không lành.
Ai cũng muốn yêu, nhưng không phải ai cũng dám yêu, càng không phải ai cũng được yêu. Đấy là một sự thật tàn nhẫn. Nhất là khi người ta còn trẻ, người ta muốn yêu hết mình. Sông Tô Châu đưa ra những định nghĩa rất bản chất về tình yêu, rằng tình yêu đôi khi là chấp nhận làm tình với người khác, là lừa dối một người, là sẵn sàng chết vì mình đã không yêu và được yêu thật sự.
Cảnh cụp mắt kinh điển của Châu Tấn xuất sắc thể hiện sự tan vỡ của Mẫu Đơn khi nhận ra mình đã bị người tình lừa dối
"Nếu như có một ngày em bỏ anh đi, anh có đi tìm em giống như Mã Đạt không? - Có!
Sẽ mãi mãi đi tìm chứ? - Anh sẽ!
Tìm em cho tới khi nào phải chết chứ? - Anh sẽ!
Anh đang nói dối! Những điều như thế, chỉ xuất hiện trong cổ tích tình yêu mà thôi!"
Mỹ Mỹ và ánh mắt ám ảnh khi hỏi đi hỏi lại câu hỏi về tình yêu của riêng cô
Và đấy, tình yêu có thể là cả một câu “anh nói dối”. Trong dòng Tô Châu đục ngầu ngoài kia, hay chăng chính trong dòng đời không mấy tinh khiết ngoài kia, chúng ta khao khát yêu đấy, nhưng có dám tin và dám yêu không?
Đến chuyện “sống”, “chết” trong phim và trong đời
Trong phim có hai người chết. Trong phim có hai người sống. Tôi muốn bạn xem phim và trả lời cho tôi câu hỏi: “Đâu là hai người chết? Và đâu là hai người sống?”
Ai cũng sẽ có câu trả lời của riêng mình. Tôi thì cho rằng, vào giây phút Mã Đạt tìm thấy Mẫu Đơn, hai người ngồi bên nhau, cô tựa đầu vào vai anh và bảo: “Mã Đạt, đưa em về nhà”, sau đó người ta vớt được xác hai người trôi trên dòng Tô Châu thì trong lòng tôi, hai người chính là những kẻ đang sống. Phải đến tận khi chết, họ mới thật sự đang sống.
Đâu là hai người chết? Và đâu là hai người sống?
Còn Mẫu Đơn, tôi hy vọng rằng cô sẽ được sống. Bằng sự bỏ đi của mình, bỏ “tôi” mà đi để tìm kiếm một thứ tình yêu thật sự, tôi mong rằng cô sẽ sống.
Còn nhân vật “tôi”, khi những giây cuối cùng của bộ phim khép lại, tôi thở dài và bất chợt đau lòng cho câu nói “tôi vẫn sẽ chờ đợi, một câu chuyện tình tiếp theo”. Cả đời của “tôi”, sẽ chết theo sự “chờ đợi” ấy lúc nào không hay.
Mã Đạt từng mơ lái chiếc xe phân khối lớn đi xa, lập nghiệp, áo gấm, hồi hương. Còn Mẫu Đơn mơ gì không ai biết, chỉ biết cô rất hạnh phúc trên chiếc xe giao hàng của Mã Đạt. Nhưng tôi tin là họ đã mơ về nhau, nhiều hơn tất cả những giấc mơ to lớn cộng lại. Những lừa dối, những nước mắt, đau đớn, đều đã qua khi hai cái xác trôi sông được đặt cạnh nhau. Họ đã tìm thấy nhau, lạc mất nhau rồi lại tìm thấy nhau, chỉ để được “sống” trong một kiếp vĩnh hằng, với tình yêu vĩnh hằng.
Mỹ Mỹ từng khóc trong bốt điện thoại và nói dối Mã Đạt rằng cô chính là Mẫu Đơn. Cô là người khao khát được yêu để cảm nhận được mình đang sống. Nhưng cô lại không dám sống, cô cũng không được quyền sống, vì tình yêu của cô không đủ cho cô “sống”.
Mỹ Mỹ rơi nước mắt trong bốt điện thoại
Ranh giới giữa sự “sống” và cái “chết” chưa bao giờ trở nên lu mờ như thế, trước một vật chủ duy nhất là “tình yêu”.
Có phải nếu không được yêu, chúng ta sẽ chết?
Như Mẫu Đơn, như Mã Đạt? Như Mỹ Mỹ? Hay như “tôi”? Thật tuyệt vọng nếu như xem xong Sông Tô Châu, mà sự lựa chọn của bạn lại là một cái buông tay “chờ đợi” giống như “tôi”. Như thế, thật đau lòng.
Đến đây, tôi không muốn trả lời câu hỏi “Có phải nếu không được yêu, chúng ta sẽ chết?” nữa. Tôi muốn nhắc lại câu văn của Haruki Murakami: “Tôi đang chết, như cách mọi người đang sống”. Tôi tin là bạn đã hiểu.
Kết
Chuyện yêu, sống, chết trong cõi nhân sinh này, tuyệt đối đừng như một miếng rác ném xuống dòng Tô Châu, chúng ta chỉ nhìn thấy nó đó đây thoáng chốc, trước khi nó lại bị nhấn chìm trong lớp lớp sóng nước trôi về biển khơi. Vô nghĩa!
"Mã Đạt, đưa em về nhà!" - Mẫu Đơn đã nói thế trước khi cùng Mã Đạt nhảy xuống dòng Tô Châu
Sông Tô Châu dành được nhiều giải thưởng lớn, trong đó phải kể đến giải Tiger Award, giải thưởng danh giá dành cho cộng đồng phim độc lập, nơi những bộ phim thể nghiệm, những phim trần trụi, bạo liệt nhất được vinh danh. Đặc biệt, mãi đến tận hôm nay sau gần 20 năm bộ phim ra đời, hơi thở đương đại của nó vẫn chưa một phút nguôi ngoai. Ấy là bởi chuyện “yêu”, “sống” và “chết” chưa bao giờ và chắc chắn không bao giờ, là một câu chuyện cũ.
Bạn thì sao? Nếu không được “yêu”, bạn “sống” hay là “chết”? Đừng trả lời vội, hãy xem Sông Tô Châu.