Sống "thử" - trả giá thật

,
Chia sẻ

Có những “trai tân” sẵn sàng kết hôn với phụ nữ đã qua một đời chồng. Nhưng lại có những người chồng sẵn sàng ly hôn với vợ ngay cả lúc đã có con khi tình cờ phát hiện vợ đã từng “sống thử”.

Gần đây, các trung tâm tư vấn hôn nhân gặp không ít các trường hợp chồng tình cờ phát hiện vợ đã từng “sống thử” với người khác trước khi kết hôn và ngay lập tức giông tố nổi lên ầm ầm. Điều đó đặt chúng ta trước một câu hỏi: nên thú nhận hay che giấu quá khứ?

Sống thử - từ mà ngày nay đã không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Nó dường như trở thành một thứ “mốt”, một xu hướng tất yếu của hội nhập. Ở ta hiện nay, chuyện “sống thử” vẫn đang là đề tài gây nhiều tranh cãi và nhận được sự phản đối nhiều hơn là đồng tình. Theo một cuộc điều tra thì có đến 86% các đôi sống thử đã kết thúc bằng chia tay. Và trên thực tế 86% ấy sau này vẫn phải yêu một ai khác và lập gia đình. Vấn đề đặt ra là: có nên nói cho bạn đời biết về quá khứ của mình? Và nếu nói thì sẽ phải nói như thế nào? Khi nói ra rồi liệu có giữ được cuộc hôn nhân đang hạnh phúc? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời. Có những trường hợp chuyên gia tư vấn cũng không thể cứu vãn được.
 
Sau một phép thử sai

Trước khi lấy Thành, Nhung đã từng yêu một anh chàng hồi còn học đại học. Chuyện cũng không có gì đáng nói nếu ngày ấy Nhung và mối tình đầu kia không “góp gạo thổi cơm chung” trong suốt 2 năm yêu nhau. Trước khi kết hôn và ngay cả bây giờ khi đã là vợ chồng, nhiều lần Nhung định nói ra sự thật vì để trong lòng cô luôn cảm thấy không thanh thản nhưng rồi lại thôi vì "mình tự nhiên nói chẳng hóa ra lại xem đó là tội lỗi hay sao", Nhung nghĩ.

Một ngày đẹp trời, Thành nghe phong phanh đâu đó về cái bí mật “động trời” trong mối tình đầu của vợ. Về nhà, anh vặn hỏi và Nhung đã gật đầu thú nhận như một kẻ tội lỗi đã lừa dối chồng suốt bao năm qua.  Nghe chuyện, Thành mắng nhiếc Nhung thậm tệ, tuyên bố ly hôn và bỏ nhà đi. Gần tháng sau, anh quay trở về và nói chấp nhận tha thứ cho quá khứ của vợ. Nhưng cuộc sống vợ chồng từ ấy như có một bức tường vô hình ngăn cách. Thành ít nói chuyện với vợ hơn, có những lần vợ chồng đang “yêu nhau” anh bỗng dưng ngừng lại, nhìn vào mặt vợ một cách cay nghiệt rồi đẩy chị ra. Căn nhà lúc nào cũng như có một không khí nặng nề bao trùm, Nhung thấy ân hận vì mình đã nói ra sự thật.

Trung thực về đời tư hay chọn cách im lặng?

Trong một khảo sát với hơn 6.800 người tham gia, chỉ gần 30% phụ nữ cho biết họ quyết định thành thực với chồng về chuyện đã từng “sống thử”. Số phụ nữ có quan điểm ngược lại, cho rằng "chẳng dại gì mà kể" cũng tương đương: gần 29%. Phần lớn những người còn lại chọn giải pháp tùy cơ ứng biến: 34% nghĩa là còn xem anh ấy nhìn nhận việc này như thế nào, 8% còn đợi xem chuyện có nguy cơ bại lộ không.

Khi thú nhận, người nghe rất dễ có phản ứng thái quá với những thông tin đã được bưng bít trong nhiều năm. Nhưng trong nhiều trường hợp không phải người chồng tức giận với sự tiết lộ của vợ mà vì đã bị lừa dối trong một thời gian dài.

Một cuộc điều tra cho thấy, hậu quả nặng nề nhất là ly hôn ít khi xảy ra khi sự thật được người có lỗi tự nói ra. Chỉ có việc che đậy để đến khi sự thật bị phanh phui dẫn đến phá hủy hôn nhân thì nhiều. Bởi trong thực tế, vẫn có những “trai tân” sẵn sàng kết hôn với phụ nữ đã từng qua một đời chồng. Nhưng lại có những người chồng sẵn sàng ly hôn với vợ ngay cả lúc đã có con khi tình cờ phát hiện vợ đã từng “sống thử” với ai đó trước khi lấy mình.
 
Theo tiến sĩ Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm Tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, nói ra sự thật người phụ nữ đều có thể gặp những rắc rối, thiệt thòi. Tuy nhiên, chị em không nên giấu, vấn đề là nói khi nào và nói như thế nào.

"Nếu đã quyết định kể, nên kể sớm, từ trước khi quyết định kết hôn". Theo chuyên gia này, việc "tiết lộ" sớm sẽ giúp cho người đàn ông suy nghĩ để biết mình có thể chấp nhận điều đó không, giúp người phụ nữ biết quan điểm của chàng về chuyện ấy như thế nào. Từ đó, họ sẽ có quyết định chín chắn là chia tay hay tiếp tục.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên nói ra khi có điều kiện thuận lợi, chẳng hạn khi người yêu hỏi, hoặc đang thảo luận về đề tài này. Điều quan trọng là phải tự biết giá trị của mình, việc nói ra chuyện trước kia hoàn toàn không phải là thú tội. Quan điểm này nếu được bộc lộ một cách khéo léo, bạn sẽ buộc người nghe phải tôn trọng bạn dù có chấp nhận tiếp tục mối quan hệ hay không.

Nếu bạn kể ra với thái độ mặc cảm, điều đó sẽ càng làm hằn rõ thêm ấn tượng rằng bạn có lỗi. Nếu không chia tay thì quyết định này sẽ giống như một sự ban ơn, và bạn sẽ phải "trả nợ" lâu dài, thậm chí suốt đời.

Còn nếu bạn giấu tiệt mọi chuyện dù chàng muốn biết? Theo tiến sĩ Hồng Hà, điều đó cũng chứng tỏ bạn coi mình có lỗi, và khi sự thật lộ ra, mọi chuyện sẽ rối rắm.

Nhưng nói ra sự thực không phải là một điều dễ dàng. Nó là cả một nghệ thuật ứng xử sao cho người nghe có thể chấp nhận được một cách ít bị tổn thương nhất. Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa “trong chuyện tế nhị này trung thực không có nghĩa là nói thẳng tuột ra khiến người kia bị sốc. Đặc biệt không nên đi vào chi tiết của sự việc làm tổn thương bạn đời”.

Hải Anh

Chia sẻ