“Sống”: Tận cùng đau đớn của cuộc sống

Thụy,
Chia sẻ

Không thể tin được rằng, có một cuốn sách nào thực thà, tận cùng, vẹn nguyên đến chừng ấy...

Tác phẩm: Sống
 
Tác giả: Dư Hoa
 
Dịch giả: Vũ Công Hoan
 
Nxb Văn học
Giá bìa: 20.000 VNĐ
 
 
“Sống” là có lẽ là cuốn sách làm tôi khóc nhiều nhất từ trước đến giờ. Tôi đã khóc từ những trang đầu tiên cho đến tận trang cuối cùng của cuốn sách. Nỗi ám ảnh triền miên kéo dài sau đó. Tôi không thể tin được rằng, có một cuốn sách nào thực thà, tận cùng, vẹn nguyên đến chừng ấy.
 
“Sống” tái hiện trước mắt độc giả cuộc đời đầy biến động, thăng trầm với những giây phút giây đau khổ tột cùng và hạnh phúc mong manh của người nông phu Phú Quý. Phú Quý từ một công tử nhà giàu ham chơi, hư đốn đã biến thành một kẻ nghèo hèn, tận cùng xã hội, phải làm thuê trên chính đất đai của mình, chỉ vì một canh bạc. Trở về cuộc sống nghèo khổ, hàng ngày phải vật vã kiếm sống, nhưng anh lại từ cuộc sống cơ hàn ấy mà nhận ra tình yêu thương vô bờ bến của người vợ yêu quý, Gia Trân.
 
 
Anh đã tưởng rằng, từ đây, dù nghèo khổ nhưng anh sẽ được thanh thản và hạnh phúc. Nhưng cuộc đời bắt đầu như một sợi dây thừng thít cổ anh bằng những đau đớn, những mất mát, thương tổn tột cùng. Anh dần mất đi những người thương mến nhất đời mình. Người vợ Gia Trân chết vì bệnh nhũn xương. Con gái Phượng Hà chết vì sinh khó. Con trai Hữu Khánh chết vì bị lấy quá nhiều máu. Con rể Nhị Hỷ chết vì tai nạn bốc vác. Đứa cháu trai duy nhất, Khổ Căn rồi cũng bỏ ông mà đi, vì bội thực đậu luộc.
 
Sức lực của ông cứ bị mài mòn mãi đi, mài mòn cho đến tận cùng tâm hồn vì những sự ra đi đau đớn ấy. Có khi nào ông tự hỏi, cái đói cái nghèo chính là nguyên nhân của những hoàn cảnh bi ai ấy không hay ông nghĩ đó là sự trừng phạt của số phận, là sự oan nghiệt mà bất kì ai sống trên cuộc đời này cũng phải trải qua. Nhưng đáp lại ông chỉ là câm lặng đến ngàn đời.
 
 
Thời gian cứ đằng đẵng trôi đi, cứ tàn nhẫn cướp đi của ông những hạnh phúc nhỏ nhoi, để trả lại là ngàn ngàn đắng cay. Đi đến gần hết cuộc đời, người đàn ông ấy lại chỉ lủi thủi một mình với con trâu già. Cô độc. Cô độc đến đỉnh điểm.

Những giọt nước mắt nghẹn lại qua từng trang giấy mỏng mảnh. Ranh giới giữa hạnh phúc và đau đớn chưa bao giờ mong manh, nhỏ bé đến như vậy. Tôi chưa bao giờ sợ hãi, lo lắng như vậy khi lật từng trang giấy của “Sống”. Chỉ sợ rằng, chút hạnh phúc mà họ vừa mới nhận được sẽ tan đi như khói mây, để ập đến bên đời họ là bất hạnh. Mắt tôi nhòe đi trong cái khoảnh khắc người con trai gầy gò bé nhỏ Hữu Khánh của gia đình Phú Quý ngây ngô để người ta rút đến cạn kiệt máu trong cơ thể bé mọn của mình chỉ vì để cứu vợ của chủ tịch. Chút hạnh phúc mà gia đình Phú Quý có được khi Hữu Khánh được giải nhất cuộc thi chạy đã tan đi vội vã.

Thấy mình đờ đẫn, căm giận, quặn đau. Thấy bàn tay trên trang giấy đã buông ra từ khi nào. Cuộc sống trôi nổi, càng trôi nổi. Chút vui được nhen nhóm lên từ trong mất mát đã bị chết yểu vào những giây phút tưởng như hạnh phúc nhất. Người cha khốn khổ đã âm thầm chịu đựng nỗi đau ấy, và âm thầm đón nhận những nỗi đau khác ập đến.
 
 
Cảnh người con gái câm Phượng Hà rên rỉ, đau đớn để rồi chết vì mất nhiều máu quá khi sinh con đã đẩy sự bất hạnh đến cực điểm của nó. Tôi chưa bao giờ căm giận số phận khủng khiếp như giây phút ấy. Những gì nghiệt ngã nhất đã xảy ra. Vĩnh viễn chìm trong câm lặng. Giọt nước mắt đau khổ đã ngưng cạn, đã đóng đặc thành một khối u ẩn giấu trong lồng ngực. Tôi cũng cảm giác như Phú Quý đã không còn chút sức lực nào để sống nữa. Chính tôi cũng tưởng như trái tim mình ngừng đập, như chính mình đang đi giữa cuộc sống ấy, bất hạnh ấy, đau đớn ấy.
 
Tôi không còn chút cảm giác nào với hơi thở của chính mình. Nhưng ông vẫn sống, vẫn sống dai dẳng với cuộc đời này, như chờ đợi, như thách thức, như gặm nhấm. Có lẽ, đã đủ đau đớn nên người ta không còn cảm thấy sợ sống nữa. Một đời người đã trải qua tất cả hỉ, nộ, ái, ố của để rồi cuối cùng bơ vơ, nhưng chưa một giây phút nào ông ngừng sống. Ông chờ đợi từng ngày cho sự ra đi của mình trong lặng lẽ. Tôi chỉ biết khóc, vì bản thân đã không thể nào chịu đựng được những đau đớn ấy. Tôi lặng im vì mọi ngôn ngữ đều bất lực khi diễn ta nỗi đớn đau và bất hạnh.
 

Hình ảnh người đàn ông già nua lững thững bên con trâu cũng già như ông khiến tôi vĩnh viễn không thể nào quên được. Tôi ghi nhớ nó trong cuộc sống của mình như để nhắc nhở chính bản thân mình. Bước vào cuộc sống của những nhân vật trong câu chuyện ấy, tôi thấy mình nhỏ bé, hạnh phúc và may mắn. Trong hoang mang tận cùng, tôi vẫn tự dặn lòng mình phải sống, phải sống… Tác phẩm “Sống” của Dư Hoa thực sự đã đi đến tận cùng hai chữ “cuộc sống” mà chúng ta đôi khi cố công định nghĩa. Thế thôi, “Sống” đã đủ đầy, trọn vẹn, và bất tử.

Trương Nghệ Mưu đã đưa “Sống” của Dư Hoa lên phim, với một kết thúc có hậu cho cuộc đời oan nghiệt của Phú Quý, như để cứu vớt trong lòng mỗi con người chúng ta một chút niềm tin còn sót lại. Khi bộ phim ấy kết thúc, nhìn Phú Quý hạnh phúc bên đứa cháu của mình, tôi lại xót xa nghĩ về một Phú Quý cô độc trên trang giấy của Dư Hoa. Nhưng ít ra, tôi đã có thể khóc nhẹ nhàng hơn…

Chia sẻ