Sống chung với "rau bẩn"

,
Chia sẻ

Trước tình trạng ngay cả rau sạch cũng không sạch, nhiều người tiêu dùng, các bà nội trợ cho rằng nên hạn chế ăn rau, rửa đi rửa lại nhiều lần, vẫn phải ăn và sống chung với nó...

 
Những ý kiến tư vấn của các chuyên gia sẽ cho bạn những lựa chọn tốt nhất để sống chung với rau "bẩn".

PGS.TS Trần Đáng, cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Cần trang bị kiến thức

Trước nguy cơ tiềm ẩn về rau ô nhiễm, hãy là người tiêu dùng thông minh, tự bảo vệ mình và gia đình. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi và gia đình, chỉ mua của những người bán hàng quen. Lựa chọn rau quả tươi cần chú ý:

Hình dáng bên ngoài: còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát, thâm nhũn ở núm cuống. Cảnh giác với loại quá "mập", "phổng phao".

Về màu sắc: có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo. Chú ý các loại quả xanh và màu sắc bất thường. Khi sờ nắn: cảm giác nặng tay, giòn chắc. Chú ý cảm giác "nhẹ bỗng" của một số rau xanh được phun quá nhiều chất kích thích tăng trưởng và hóa chất bảo vệ thực vật.

Không có dính chất lạ: rất nhiều loại quả còn dính hóa chất bảo vệ thực vật trên lá, cuống lá, núm quả, cuống quả..., có các vết lấm tấm hoặc  vết trắng.

Mùi: không có mùi lạ, nếu lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư nhiều, ngửi thấy mùi hắc, mùi hóa chất bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, phải biết cách rửa: Đầu tiên nhặt lá, thân riêng, cho vào ngập chậu tràn nước, ngâm 10-15 phút vì có hóa chất thì nó sẽ tan hết, sau đó rửa rũ lại trước vòi nước. Nếu cẩn thận hơn có thể ngâm nước muối nhạt (cẩn thận không nẫu hết rau) hoặc thuốc tím.

 

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Đại học KHTN (Đại học QGHN): Quản lý từ đầu vào

Hãy quản lý chất lượng rau từ đầu vào như điều kiện, quy trình canh tác. Có được những điều này thật tốt thì rau an toàn mặc nhiên được công nhận. TP Hà Nội đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất rau sạch mà điển hình là Đông Anh, Gia Lâm. Nếu rau vẫn sản xuất theo lối canh tác truyền thống trong khi môi trường ô nhiễm mà vẫn được cho là rau an toàn thì chúng ta đã không công bằng với bà con Đông Anh, Gia Lâm...

Điều này khác nào phủ nhận kết quả đầu tư hàng chục tỷ đồng cho sản xuất rau sạch tại Đông Anh, Gia Lâm. Nhiều khi phân tích vài trăm mẫu để khẳng định hàng nghìn hecta là sạch thì không khoa học, vì thực tế, phân tích gấp 10 lần như vậy cũng chưa chắc đã khẳng định được.

TS Nguyễn Thị Kim Thanh, trưởng bộ môn Sinh lý thực vật - ĐH NN I Hà Nội: Không làm sạch tạp chất bằng phương pháp dùng nước muối ngâm rau

Chuyện rau sạch, rau bẩn là vô cùng khó phân biệt. Thông thường, người ta cứ tin vào việc đi tới các siêu thị để mua rau an toàn mà lại mua phải rau không an toàn thì còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi nhầm tưởng rau an toàn, người dân sẽ chủ quan với việc rửa rau... nên dễ dẫn đến việc xài rau bẩn một cách vô tư.

Để bảo vệ sức khỏe gia đình mình, thông thường tôi mua rau về rửa kỹ dưới vòi nước chảy rồi cho vào máy khử độc bằng khí ozon. Có một số bà nội trợ cho rằng, ngâm rau vào nước muối sẽ khử được tất cả các loại độc là sai lầm. Thực tế ngâm muối chỉ để làm sạch một số vi sinh vật, còn đối với các loại tạp chất và thuốc trừ sâu thì việc ngâm nước muối là phản tác dụng bởi khi ngâm trong nước muối, khả năng "rời bỏ" khỏi rau của các tạp chất kia kém hơn khi ngâm trong nước lã.

PGS.TS Trần Khắc Thi, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả:Nên ăn các loại bí

Phải nói rằng hiện tại không thể nhà nào cũng có thể tự trồng rau sạch cho bữa ăn nhà mình. Bởi vậy, việc lựa chọn rau thực sự sạch để sử dụng trong bữa ăn là rất khó khăn. Thường thì để rau xanh người ta hay bón phân đạm, nếu dư lượng này tồn tại trong lá nhiều sẽ rất nguy hiểm.

Bởi vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn một số loại quả như quả bí xanh, bí đỏ, tuy không dám chắc là ăn toàn tuyệt đối nhưng các loại bí có vẻ an toàn hơn cả bởi phân đạm chủ yếu tập trung vào lá, quả là bộ phận thứ cấp nên ít bị ảnh hưởng. Hơn thế, các loại thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả cũng ít hơn trên rau ăn lá.

Ngoài ra, người tiêu dùng nên mua những loại rau bản địa (phần lớn là rau tự nhiên, không được trồng trọt nhưng vẫn được sử dụng như rau sắng, hoa thiên lý, diếp cá...). Nên mua rau quả đúng thời vụ bởi với rau trái vụ, người trồng sẽ phải phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ khỏi sâu bệnh... Khi mua rau về, nên rửa dưới vòi nước chảy để loại bỏ bớt một số tạp chất.
 
Theo Nhóm PV Thời sự khoa học
Khoa học và đời sống
Chia sẻ