Sốc với kiểu bênh con của mẹ chồng
“Đàn ông năm thê bảy thiếp là lẽ thường. Nó có ngoại tình thì chị cũng phải cắn răng mà chịu”, đó là những lời mẹ chồng “an ủi” khi Diệp mếu máo kể với bà chuyện chồng lăng nhăng.
Bênh con trai chằm chặp
Sốc với thái độ thấy con trai sai lè mà vẫn chằm chặp bênh con của mẹ chồng, Diệp mất ăn mất ngủ suốt mấy ngày liền.
Biết công việc của chồng hay phải làm ngoài giờ, Diệp rất thông cảm. Tuy nhiên dạo gần đây, thấy chồng viện lý do đi giao dịch, tiếp khách để về muộn, Diệp bất an vô cùng. Một lần vô tình bắt gặp cuộc ghi âm giữa chồng và cô gái nhà hàng, Diệp tức tối tra khảo chồng. Tuy nhiên, mẹ chồng Diệp chen ngang, bao biện rằng đàn ông kiếm được tiền thì phải thế, là vợ thì không được suy nghĩ lung tung, phải biết vun vén, ủng hộ chồng.
Không còn chung sống với mẹ chồng như Diệp là My (27 tuổi, Hà Nội). Chồng My rất lười, ăn xong cũng không tự giác bê mâm cơm cho vợ rửa. My nhắc là mẹ chồng chen vào ngay: “Việc bếp núc là của đàn bà. Chồng con lăn lộn ngoài xã hội nhiều thì phải được nghỉ chứ”. Công việc của chồng, My biết còn nhàn gấp 10 lần việc của My. My làm quản lý, tối ngày bận bịu họp hành mà vẫn không dám lơ là chuyện bếp núc.
Một mình làm không hết việc lại toàn bị chồng “vẽ” việc cho làm: bóc quýt ăn, chồng My bỏ cả đống vỏ trên bàn; bật điện trong nhà tắm, vệ sinh xong “hiên ngang” đi ra không chịu tắt; đến cái tăm, hớp nước cũng gọi vợ “ời ời”...
“Đấu tranh” không được, My cương quyết xin ở riêng. Mẹ chồng My rất giận, không muốn nhìn mặt con dâu.
My hy vọng ở riêng sẽ là cơ hội tốt để “đào tạo” chồng. Tuy nhiên, gần 3 tháng ra ngoài sống, không ngày nào hai vợ chồng My không cãi cọ. Chồng My sẵn tính lười. My cằn nhằn nhiều, lúc chồng làm giúp, lúc không. Có lúc, chồng My “trốn” về ông bà nội vài ngày, My đòi ly hôn, chồng cô mới quay lại nhưng anh vẫn hậm hực đổ lỗi cho vợ chuyện ở riêng.
Bây giờ, My không biết tính sao. Cô không muốn bỏ chồng nhưng cứ thế này, cũng rất khó giữ hạnh phúc.
Để việc ra ở riêng đạt hiệu quả
Nhiều mẹ chồng chiều con và đã quen với thói xấu của con mình. Chính vì thế, người vợ thấy nhiều cái bất cập nhưng không sao góp ý được cho chồng bởi mẹ chồng không ủng hộ. Ở trường hợp này, người con dâu bị đặt vào tình thế “đơn thương độc mã”, rất khó để đấu tranh cho cái tốt.
Ngay cả trường hợp ở riêng thì tỷ lệ thành công cũng không phải 100%. Những mẹ chồng thế này thường có tiếng nói trọng lượng trong nhà. Hơn nữa, người chồng cũng quen được mẹ “chi phối” nên nếu bị tách ra, cả mẹ chồng và chồng đều không hài lòng. Chỉ có con dâu coi đó là phương án tối ưu. Nhưng không cẩn thận có thể bị mẹ chồng ghét ra mặt vì phản đối chuyện ở riêng không thành; còn bị người chồng oán trách, đổ lỗi làm rạn mẻ tình cảm con dâu với nhà chồng.
Để việc ở riêng thuận lợi, cần sự đồng thuận của người chồng. Người chồng có thể đứng ra đưa ý kiến ở riêng với gia đình mình. Nếu người vợ cương quyết ra mặt đòi ở riêng thì có thể bị mẹ chồng oán hận. Ngoài ra, người vợ cũng nên để chồng mình chấp nhận ở riêng tự nguyện. Không phải bị cưỡng ép theo kiểu: “Anh chọn mẹ anh hay anh theo vợ?”. Bởi vì, nếu buộc phải đi theo vợ, sớm muộn gì người chồng cũng nảy sinh tâm lý bất mãn, xung đột vợ chồng vẫn có thể xảy ra dù đã ở riêng.