Sốc phản vệ sau khi tiêm tế bào gốc trẻ hóa da
Sau tiêm tế bào gốc tại một spa để trẻ hóa làn da, làm mờ sẹo, người phụ nữ 30 tuổi ở Hà Nội vã mồ hôi, huyết áp cao, phải vào viện cấp cứu.
Ngày 12/1, TS. BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân sốc phản vệ.
Theo bác sĩ Hà, hiện không rõ cơ sở spa tiêm "tế bào gốc" cho bệnh nhân là loại nào, có đúng là tế bào gốc không, nên không thể xác định nguyên nhân bệnh nhân bị sốc phản vệ.
Bác sĩ cho biết, cuối năm là thời điểm nhu cầu làm đẹp tăng. Dịch vụ thường được ưu tiên lựa chọn như tiêm botox, filler, mesotherapy hay căng chỉ do thời gian phục hồi nhanh.
Cùng thời điểm này, Bệnh viện Da liễu Trung ương thường xuyên tiếp nhận những trường hợp sử dụng dịch vụ tại các cơ sở spa, thẩm mỹ không đủ tiêu chuẩn, sau đó bị biến chứng phải đến viện để khắc phục hậu quả.
Trường hợp khác là nữ sinh viên 20 tuổi đến bệnh viện xin tư vấn tiêm tan mỡ ở nhiều vị trí như hai bên góc hàm, đùi, bắp chân, bụng để giảm béo. Bác sĩ giải thích không nên tiêm tan mỡ ở diện rộng bởi nguy cơ xảy ra tai biến rất cao.
Tuy nhiên sau đó cô gái vẫn tự tìm hiểu trên mạng, giấu gia đình đến một cơ sở thẩm mỹ tư nhân tiêm “tinh chất giảm béo”.
Sau tiêm nhiều mũi tan mỡ vào đùi, bắp chân, bụng và hai bên góc hàm, các vùng can thiệp sưng nề, đau đớn không thể xử lý, bệnh nhân đến viện trong tình trạng các vị trí tiêm tan mỡ đã tạo thành ổ áp xe.
Bác sĩ phải chích rạch ổ áp xe, hút mủ, vệ sinh, một số khối áp xe tự vỡ nên để lại nhiều vết sẹo.
Theo chuyên gia, bất cứ thủ thuật, phẫu thuật nào cũng có nguy cơ biến chứng, vì thế mọi người cần cẩn trọng với những lời quảng cáo trên mạng. Tại Việt Nam, Bộ Y tế chưa cấp phép cho loại thuốc nào để thực hiện tiêm tan mỡ.
Tương tự, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nữ bệnh nhân 26 tuổi ở Bạc Liêu bị áp xe má sau tiêm filler (chất làm đầy) thường xuyên để trẻ hóa khuôn mặt.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler, gây hoại tử dưới da. Biến chứng này là hậu quả của việc vi phạm các kỹ thuật vô trùng và sử dụng sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn.
Tại Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy. Theo thông tin từ cơ sở, những bệnh nhân này sau tiêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, áp xe, chảy dịch, nhiều khi loét, hoại tử…, thậm chí là mù khi tiêm gần vùng mắt. Nguyên nhân là do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng, tiêm sai vị trí hoặc chất làm đầy không rõ nguồn gốc.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên lựa chọn các dịch vụ làm đẹp được cấp phép và thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ được đào tạo chuyên môn để tránh tiền mất, tật mang.
Chất làm đầy như filler, botox sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, đúng kỹ thuật được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép sẽ tốt cho da. Dùng sai cách hoặc thực hiện thủ thuật ở những nơi không đủ điều kiện sẽ dẫn đến viêm nhiễm, vón cục, tai biến.