Số phận hẩm hiu của người có chỉ số IQ cao hơn cả Einstein
Có chỉ số IQ cao hơn cả Einstein với tố chất vượt trội nhưng hiếm có ai từng nghe thấy tên của người thông minh nhất thế giới này - William James Sidis.
Albert Einstein có IQ khoảng 160, chỉ số IQ của Issac Newton là 190 và chỉ số này của Mark Zuckerburg là 152. Những người nổi tiếng này đều được biết đến là những thiên tài trên thế giới. Tuy nhiên, có một người từng có chỉ số IQ được cho là từ 250 - 300 nhưng hiếm ai nghe thấy tên của ông. Người thông minh nhất thế giới này chính là William James Sidis - một thần đồng và là một nhà toán học xuất chúng. William James Sidis thông thạo nhiều thứ tiếng và còn là một nhà văn tài năng.
William sinh ra ở thành phố New York vào năm 1898. Cha của ông - Boris là một nhà tâm lý học giỏi đã có 4 bằng đại học của Harvard. Mẹ của ông là một bác sĩ y khoa. Vì cả cha và mẹ đều là những người tài giỏi nên William James Sidis vốn được cho là sẽ thừa hưởng điều này như sự thông minh của ông thậm chí còn thể hiện vượt trội hơn hẳn người bình thường.
Khi mới chỉ 18 tháng tuổi, William James Sidis đã có thể đọc tờ New York Times. Lên 8 tuổi, ông đã tự học tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Do Thái, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Armenia.
Nhận thấy tố chất thông minh của con trai, cha của William đã đăng ký cho ông vào học Harvard nhưng bị từ chối vì khi đó William mới chỉ 9 tuổi. 2 năm sau, ngôi trường này đã nhận ông vào học và năm 1909, William trở thành người trẻ nhất được nhận vào Harvard. Năm 1910, kiến thức về toán học của ông uyên bác tới nỗi ông bắt đầu giảng bài cho các giáo sư của mình và được đặt biệt danh là "thần đồng nhí". William hoàn thành bằng cử nhân về nghệ thuật ở tuổi 16.
Mệt mỏi vì sự nổi tiếng, đặc biệt là khi còn trẻ, không lâu sau khi tốt nghiệp, William chia sẻ với phóng viên rằng ông muốn sống một cuộc đời "hoàn hảo" mà theo ông đó là một cuộc sống riêng tư và ẩn dật.
Ngoài việc không muốn nổi tiếng, quyết định của William còn cho thấy sức ép mà ông phải đối mặt từ khi sinh ra. Vào thời điểm đó, người Mỹ tin rằng việc biến những đứa trẻ trở thành thần đồng là một hướng giáo dục đúng đắn. Là một nhà tâm lý học giỏi, cha của William say sưa với việc khiến con trai mình tỏa sáng nhất có thể. Để đạt được điều đó, ông đã áp dụng những phương pháp tâm lý học trong quá trình nuôi dưỡng và thúc đẩy khả năng của William. Khi trưởng thành, William đã đổ lỗi cho cha về việc này. Thậm chí khi ông Boris qua đời năm 1923, William đã từ chối đến dự đám tang của cha.
Từ chối hào quang của một thần đồng nổi tiếng, William làm các công việc văn phòng với mức lương thấp. Ngoài các công việc đó, ông cũng là một nhà xã hội học và là người phản đối Thế chiến I.
William đã sống cả cuộc đời trong sự đau khổ và hoàn toàn cô độc. Bị gia đình ghẻ lạnh, ông làm những công việc bình thường như một cái máy để kiểm sống. Người thông minh nhất thế giới, người mà lẽ ra có thể thay đổi thế giới này đã không may qua đời ở tuổi 46 như một người vô danh bình thường do xuất huyết não vào năm 1944./.