Số "mẹ nhí" sinh con khi còn đi học ngày càng tăng: Những nguy hiểm cho cả mẹ và con khi sinh con ở tuổi này
Trong số 227 sản phụ là trẻ vị thành niên đến sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong 2 năm qua, có trường hợp chỉ mới 10-13 tuổi.
Tình trạng trẻ mang thai ở tuổi vị thành niên được nhấn mạnh trong Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp năm 2019, ngày 13/5 tại Hà Nội.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, trong 2 năm 2017- 2018, tại Bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa lớn nhất miền Bắc này có tới 227 sản phụ trong độ tuổi vị thành niên (10-18 tuổi) đến sinh đẻ. Số "mẹ nhí" là học sinh, sinh viên có 27 người, 178 người (gần 80%) đã có chồng. Hầu hết những sản phụ vị thành niên trong số được khảo sát không được quản lý thai nghén tại bệnh viện.
Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn sức sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cứ 2 bà bầu đến bệnh viện thì có một người phá thai.
"Trung bình mỗi năm, bệnh viện có khoảng 21.000-22.000 ca sinh, số sản phụ là vị thành niên đẻ tại viện chiếm 0,5% tổng số đẻ", bác sĩ Hương cho biết.
Cũng theo bác sĩ Hương, số sản phụ từ 14-16 tuổi là 34 người. Số còn lại là từ 17-18 tuổi chiếm đại đa số (khoảng 83.5%). Cũng trong hơn 200 sản phụ nhí này, có tới 91 người đến từ Hà Nội.
Theo giới chuyên môn, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của trẻ vị thành niên hiện nay ngày càng sớm. Điều tra Quốc gia về "Vị thành niên và thanh niên Việt Nam" cho thấy, có tới 36% thanh thiếu niên ở nhóm tuổi từ 14-17 đã quan hệ tình dục. Các em gái 12-13 tuổi mang thai không còn hiếm. Những bà mẹ bất đắc dĩ này sẽ gặp rất nhiều khó khăn về cả thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, việc mang thai và sinh đẻ ở độ tuổi quá trẻ gây nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi.
Độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của trẻ vị thành niên hiện nay ngày càng sớm.
Bác sĩ Lan Hương cho biết, trong số những trường hợp vị thành niên sinh con tại viện, có tới gần 13% thai bất thường. Số trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân trung bình khoảng 37%, nhiều bé có trọng lượng chỉ dưới 500 gram. Đặc biệt, có 18% sơ sinh tử vong và gần 4% sơ sinh phải chuyển viện.
Các bác sĩ cho hay, thai nghén vị thành niên để lại nhiều nguy cơ cho sản phụ và thai nhi. Nhiều ca bị bất thường não, tim, bụng, đa dị tật...
Tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm. Kết quả điều tra biến động kế hoạch dân số - kế hoạch hóa gia đình của Tổng cục Thống kê cho thấy, cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên.
Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn Sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cứ 2 bà bầu đến bệnh viện thì có một người phá thai. Đặc biệt tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thanh niên đáng báo động. Nhiều em ở độ tuổi 13-18 khi đến bác sĩ khám thì đã có thai lớn trên 12 tuần tuổi, khiến việc xử lý thai gây nguy hiểm cho tính mạng người mẹ.
Thể chất chưa phát triển hoàn thiện nên mang thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén như sẩy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ... nếu không được chăm sóc y tế và quan tâm đúng đắn.
Làm mẹ quá trẻ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thiếu chất. Thai kém phát triển dễ bị chết lưu hoặc trẻ sinh ra thiếu cân, suy dinh dưỡng, mắc nhiều bệnh tật...